Trong đó 5% vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho công tác lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; 20% vốn tích lũy từ GDP du lịch và của các doanh nghiệp du lịch; còn lại là huy động từ các nguồn khác.
Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng xác định, đến năm 2020 du lịch Hà Nội sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.
Theo quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, du lịch Hà Nội vẫn tập trung đẩy mạnh, thu hút khách du lịch quốc tế ở các thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Pháp, khu vực Bắc Mỹ, ASEAN…; mở rộng thu hút khách du lịch đến từ các thị trường mới: Trung Đông và Bắc Âu… Đồng thời, phát triển thị trường nội địa thông qua việc tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Mục tiêu đặt ra cho du lịch Hà Nội tới năm 2020 sẽ đón được 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 79.674 tỷ đồng; đến năm 2030 đón được 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 26,8 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 186.165 tỷ đồng. Qua đó, du lịch Hà Nội sẽ tạo việc làm cho gần 383 nghìn lao động, trong đó có 127,8 nghìn lao động trực tiếp vào năm 2020.
Hà Nội với vai trò là trung tâm phát triển du lịch của cả nước, là vùng đất ngàn năm văn hiến, nơi lưu giữ những giá trị to lớn của lịch sử phát triển đất nước, Du lịch Hà Nội cần phát triển theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng- an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.