Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thượng tướng Lương Đình Hồng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh
Trực tiếp thông tin, chia sẻ về tình hình thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội gắn với quốc phòng-an ninh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ đô đã nỗ lực vượt bậc, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt là duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố chủ động, tích cực triển khai các chủ trương, định hướng lớn, chiến lược không chỉ 10 năm mà còn tới 20-30 năm.
Đặc biệt, thành phố đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá như: Quy hoạch; đầu tư dự án đường Vành đai 4; cải cách hành chính trọng tâm là phân cấp, ủy quyền; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai; đề án quán lý tài sản công, đề án cải tạo chung cư cũ...
Theo Bí thư Thành ủy, nhờ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Hà Nội còn là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Thành phố cũng thực tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm. Đồng thời, tăng cường phối hợp, hợp tác trong và ngoài nước về quốc phòng, an ninh.
Hà Nội là điểm sáng về thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương
Thay mặt các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng khoá 91 phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có sự tương đồng, nhất là về quy mô dân số và đều là những “siêu đô thị” của đất nước. Do đó, phải đối với với nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai phân cấp, ủy quyền nhưng chưa đem lại hiệu quả thực sự. Vì vậy, cách làm và những kết quả ấn tượng của Hà Nội về lĩnh vực này sẽ là cơ sở tham khảo rất cần thiết cho thành phồ Hồ Chí Minh.
“Bản thân tôi rất ấn tượng với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong những năm qua. Các đồng chí xử lý các công việc cơ bản rất thành công, đem lại kết quả GRDP tăng trưởng liên tục và đi theo hướng ngày càng vững chắc” – ông Ngô Minh Châu chia sẻ.
Còn Thiếu tướng Trần Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Truyền thông (Bộ Công an) bày tỏ ấn tượng sâu sắc về hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội khi triển khai Dự án đầu tư đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chỉ trong vòng hơn 1 năm đã hoàn thành 84% diện tích giải phóng mặt bằng, vượt tiến độ đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lương Đình Hồng khẳng định, bản thân rất ngưỡng mộ, tự hào với những thành tích của Thủ đô trong những năm qua. Đồng thời càng khâm phục và trân trọng khi Hà Nội đã đẩy lùi đại dịch Covid-19 và có bước phát triển vượt bậc. Sang năm 2023, dù tình hình rất khó khăn, ngay cả đối với thành phố Hồ Chí Minh, nhưng 6 tháng đầu năm, Hà Nội vẫn tăng trưởng cao và là điểm sáng, tấm gương cho cả nước về thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và quyết tâm, sáng tạo của Thủ đô.
“Chắc chắn, các học viên đã học tập được nhiều kinh nghiệm hay của Hà Nội để phục vụ cho yêu cầu của lớp học và quan trọng hơn là phục vụ cho nhiệm vụ của các đồng chí trên cương vị công tác tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố...” - Thượng tướng Lương Đình Hồng khẳng định.