Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nhãn chín muộn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niên vụ năm 2020, nhãn chín muộn Hà Nội được mùa với sản lượng lên tới 10.000 tấn. Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tránh tình trạng “được mùa mất giá” cho các nhà vườn.

Sáng 21/8, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội phối hợp với UBND xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) tổ chức Chương trình kết nối và tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai.

Chủ tịch UBND xã Đại Thành Lý Đình Quang thông tin, hiện nay toàn xã có 115ha nhãn chín muộn, ước tính cho sản lượng đạt 2.500 tấn, doanh thu trên 50 tỷ đồng. Những năm qua, được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hỗ trợ thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn. Hạch toán kinh tế cho thấy, với năng suất bình quân 22 tạ/ha và giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta nhãn chín muộn cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

 Niên vụ năm 2020 nhãn chín muộn Đại Thành được mùa

Nhãn chín muộn Đại Thành có vị thơm, độ ngọt sắc, cùi dày, hạt nhỏ, chất lượng ngon nên được nhiều người ưa thích. Điểm thuận lợi nhất là nhãn chín muộn có thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà 1 tháng (từ 20/8 - 20/9), nên người dân khá yên tâm về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2018 đã được xuất khẩu 17,5 tấn sang thị trường Mỹ.

Niên vụ năm 2020, nhãn chín muộn Đại Thành được mùa, vì vậy, việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt cầu, được mùa mất giá là rất cần thiết. Để hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch kết nối các DN tiêu thụ theo chuỗi đối với sản phẩm nhãn chín muộn.

 Lễ kỹ kết hợp đồng tiêu thụ của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành với một số DN

Theo đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức kết nối một số DN (Công ty CP quốc tế BamBoo; Công ty AMeii Việt Nam; Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath) và nông dân (đại diện ký kết hợp đồng là Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành) đưa sản phẩm nhãn chín muộn vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn TP.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Thị Hòa cho hay, hạn chế lớn nhất của sản phẩm nhãn chín muộn hiện nay là tiêu thụ ở dạng quả tươi, không qua sơ chế, đóng gói nhãn mác nên giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Do đó, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã trồng nhãn muộn tại Đại Thành (Quốc Oai) và Song Phương (Hoài Đức) quảng bá, giới thiệu, trao đổi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua đó, nhãn chín muộn Hà Nội được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tổng diện tích trồng nhãn trên địa bàn hơn 1.980 ha, gồm nhiều giống khác nhau, với sản lượng ước tính đạt trên 21.000 tấn. Trong đó, nhãn chín muộn (HTM1, HTM1) có diện tích hơn 650ha, được trồng tập trung tại hai huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số xã của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng… Nhãn chín muộn được TP lựa chọn là một trong bốn loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ dưới dạng quả tươi, qua sơ chế, chế biến, đóng gói nhãn mác (khoảng 3 - 5% sản phẩm). Sản phẩm nhãn chín muộn chủ yếu do nông dân tự tiêu thụ qua tư thương (60 - 70% sản lượng) nên giá thành bấp bênh, khoảng 30 - 40% sản phẩm quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị tại các quận nội thành, huyện, thị xã. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.

Ngoài ra, nhãn chín muộn của Hà Nội cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Mỹ, Ba Lan và Australia. Thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Nhằm tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường, năm 2020, Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo các Sở, ngành, thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại và liên kết với DN để đưa sản phẩm nhãn chín muộn xuất khẩu sang các thị trường khó tính.