Hà Nội thực hiện thí điểm chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 2009 tại Từ Liêm và tính đến hết tháng 12/2014, Thành phố có 6 điểm điều trị Methadone tại 6 quận/huyện/thị xã, bao gồm Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Sơn Tây, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Tất cả các điểm điều trị này đều được hỗ trợ.
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 8/2017 |
Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình đã chứng minh thấy hiệu quả tốt như: Việc sử dụng ma túy trong số những người nghiện ma túy đã giảm từ 100% khi bắt đầu điều trị xuống còn khoảng 15% sau 24 tháng; Giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, C; Giảm tội phạm liên quan đến ma túy, tăng tỷ lệ người thất nghiệp có việc làm...
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cho đến nay, Hà Nội có 18 cơ sở điều trị Methadone với 4.667 bệnh nhân. Trong năm 2016, chi phí ngân sách cho các hoạt động điều trị này là 23. 697 tỷ VNĐ.
Trên cơ sở đảm bảo chất lượng và quản lý dịch vụ điều trị cai nghiện bằng Methadone trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Y Tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã đưa ra 3 đề xuất.
Thứ nhất, Sở Y tế đề xuất để đảm bảo thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, HĐND Thành phố cần ban hành Nghị quyết quy định cụ thể về đối tượng cần thu, mức thu phù hợp với quy định của văn bản pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại Hà Nội và khả năng chi trả của bệnh nhân đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Thứ hai, đề xuất phê duyệt khung giá cụ thể một số dịch vụ điều trị cho người nghiện bằng thuốc Methanol với 4 nội dung: khám định kỳ, cấp phát thuốc tại các cơ sở thay thế hàng ngày, tư vấn cá nhân và tư vấn nhóm.
Thứ ba, về nhóm đối tượng miễn giảm chi trả y tế; trong đó đề xuất miễn giảm hoàn toàn 100% cho đối tượng chính sách. Dự kiến, Nghị quyết UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2017 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2018.
Trong khuôn khổ phiên họp, đại diện các Sở ban ngành cơ bản thống nhất với văn bản trình do Sở Y tế đưa ra. Bên cạnh đó, Ban kinh tế ngân sách TP cũng đề xuất Sở Y tế làm rõ căn cứ để xác định mức giá dịch vụ điều trị Methadone, xem xét cân đối với mức giá tối đa theo Nghị định Chính phủ quy định.