Nguy cơ lây nhiễm caoĐể phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi, từ nhiều ngày nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã chủ động phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột ở nhiều tuyến đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi. Là vùng chăn nuôi trọng điểm của TP, hiện Ứng Hòa có tổng đàn lợn 98.117 con với 4.213 hộ chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi lợn tập trung chủ yếu tại các xã: Vạn Thái, Hồng Quang, Sơn Công... Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 40% là chăn nuôi xa khu dân cư còn lại 60% vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đáng nói, các xã chăn nuôi trọng điểm nói trên đều nằm ven sông Đáy nên nguy cơ phát sinh, lây nhiễm nguồn bệnh là rất cao.
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn TP cho thấy, mặc dù công tác phòng, chống dịch tại chỗ của các địa phương được thực hiện khá bài bản song nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn có khả năng cao, xâm nhập theo nhiều nguồn, nhiều đường. Không ít chủ trang trại bày tỏ lo ngại, virus dịch tả châu Phi có thể tồn tại trong thức ăn chăn nuôi hoặc mang từ chuột và chim trời. Hiện, các mối nguy này đều chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để và đang trở thành nỗi lo thường trực của người chăn nuôi.“Căng mình” ngăn chặn dịchHiện nay, các địa phương trên địa bàn TP đang tập trung dồn lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ghi nhận tại huyện Đan Phượng, tính đến thời điểm này, huyện đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng 720.000m2, tập trung tại các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại, hộ gia đình...
Hàng ngày, các hộ giết mổ nhỏ lẻ vẫn vận chuyển thịt lợn che đậy sơ sài, thậm chí không che đậy ra các chợ trung tâm TP bằng xe máy. Hoạt động này diễn ra mạnh nhất vào khoảng 4 - 5 giờ sáng và 12 - 13 giờ trưa gây khó khăn cho công tác kiểm soát bệnh dịch của địa phương.Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển |
Ngoài ra, huyện cũng cấp 55 tấn vôi bột cho các xã để tiêu độc, vệ sinh môi trường. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, thời điểm này trên địa bàn huyện chưa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nào, tuy nhiên huyện vẫn bố trí nhân lực phòng chống dịch ở tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, thực hiện chế độ giao ban nắm bắt tình hình, bố trí lực lượng chốt trực kiểm tra đầu vào 24/24 giờ.
Tại huyện Thanh Oai, không khí phòng chống dịch cũng rất khẩn trương. Cùng với kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ huyện đến xã, huyện Thanh Oai thành lập 3 tổ liên ngành kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ tại hộ, trang trại, vùng chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, bố trí lực lượng chốt trực kiểm tra tại các chợ, điểm giết mổ tại các xã gần nội thành. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, mặc dù trên địa bàn huyện đã có một lò giết mổ tập trung bán công nghiệp nhưng chỉ thu hút được một số hộ tham gia với công suất 500 – 600 con/ngày. Số đông còn lại là các hộ giết mổ lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Khảo sát của phóng viên trong ngày 5/3, tất cả các huyện ngoại thành đều đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh và mức hỗ trợ của Nhà nước cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, không giấu dịch, bán tháo lợn, không vứt xác lợn bị bệnh dịch ra sông, kênh mương. Trong trường hợp phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho các cơ quan chức năng.