Số hộ dân bị ngập giảm nhanh
Số liệu quan trắc cho thấy, trong 2 ngày qua, trên địa bàn Hà Nội phổ biến không mưa. Thời tiết khô ráo, ban ngày có nắng đã giúp mực nước trên hệ thống sông nội địa, nhất là sông Bùi, sông Tích xuống nhanh.
Mực nước sông Bùi tại trạm thuỷ văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) thời điểm 19 giờ tối 4/8 chỉ còn trên báo động I là 6cm; trong khi mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) và trạm thuỷ văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) đang dần về mức báo động II.
Cùng với mực nước sông tiếp tục xuống, số hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt những ngày qua cũng giảm nhanh. Tính riêng trong ngày 4/8, 268 hộ dân, chủ yếu thuộc địa bàn vùng ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai đã thoát khỏi cảnh ngập úng. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Tại nhiều thôn, xóm, đường giao thông nông thôn, nước rút nhanh. Việc đi lại của người dân dần trở lại thuận lợi. Hàng trăm hộ dân đã trở về nhà từ địa điểm sơ tán. Chính quyền địa phương huy động tối đa nguồn lực, tập trung hỗ trợ, cùng nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường để ổn định lại cuộc sống.
Đơn cử như tại huyện Chương Mỹ - trọng điểm ngập lụt thời gian qua của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, chính quyền địa phương đã huy động hơn 4.700 người và gần 200 phương tiện để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, tập trung tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học để phục vụ năm học mới…
Hơn 6.300 thùng mỳ tôm, 250 gói lương khô, 105 thùng sữa tươi, gần 5.000 thùng nước và nhiều hàng hoá cũng đã được chính quyền huyện Chương Mỹ chuyển đến cứu trợ người dân các xã vùng chịu ảnh hưởng ngập lụt. Đời sống của người dân vùng lũ được đảm bảo.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, hiện nay, công tác ứng phó, khắc phục, cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân vẫn đang được triển khai đồng bộ, chưa phát sinh thêm khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị mới.
Mặc dù vậy, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay vẫn cần được tiếp tục quan tâm. Ghi nhận thực tế cho thấy, dù số hộ dân bị ảnh hưởng đã giảm đáng kể so với cao điểm mưa lũ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Hơn 1.000 nhân khẩu vẫn chưa thể trở về nhà.
Mực nước trên hệ thống sông đang có chiều hướng xuống nhưng hiện vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là trên sông Bùi, sông Tích. Trong ngày 5/8, mưa dông có khả năng xuất hiện tại một số vùng trên địa bàn Hà Nội, nhất là về đêm và sáng. Chính vì vậy, nguy cơ ảnh hưởng, nhất là đối với nhiều khu vực dân cư còn đang bị ngập, là không thể chủ quan.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; tổ chức ứng trực nghiêm túc để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố phát sinh ngay từ giờ đầu; đồng thời thông tin thường xuyên về Văn phòng Thường trực để báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cưu nạn TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn nhiều huyện vùng ven sông Bùi, sông Tích vẫn đang có hàng ngàn héc-ta lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, trong đó những diện tích chịu ảnh hưởng nhiều nhất là cây lúa (Chương Mỹ hơn 1.000ha, Quốc Oai gần 600ha). Hơn 200.000 gia súc, gia cầm cũng bị thiệt hại, chủ yếu tại huyện Chương Mỹ.