Hà Nội dồn lực hoàn thiện 7 tuyến vành đai, 6 tuyến đường sắt đô thị giai đoạn 2021 - 2025

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có báo cáo đề xuất 8 nhóm công trình giao thông quan trọng sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

 Thông xe đường Vành đai 2. Ảnh: Ngọc Hải
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã báo cáo đề xuất Thành ủy Hà Nội về danh mục các công trình giao thông quan trọng giai đoạn 2021 - 2025.

Căn cứ định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân TP thông qua, qua rà soát, Sở Giao thông vận tải đề xuất 8 nhóm công trình giao thông quan trọng giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm 45 công trình; trong đó có 25 dự án đã xác định chủ đầu tư và đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục đầu tư (17 dự án do TP Hà Nội đầu tư; 8 dự án Bộ Giao thông vận tải đầu tư); 11 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang ngân sách nhà nước; 9 dự án cần giao triển khai nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư.

Nhóm các công trình đường sắt đô thị gồm 6 công trình: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Tuyến 2A) chiều dài 13,5km; Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi với chiều dài 24,8 km; Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 12,5km; Tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với chiều dài khoảng 11,5km; Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai với chiều dài khoảng 8km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) với chiều dài L=38,43km.

Nhóm các công trình đường vành đai gồm 7 công trình:

Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,27km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố.

Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ký kết giữa UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Vingroup.

Vành đai 2,5 bao gồm 3 đoạn để khép kín bao gồm: Đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m), đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng (dài 580m) và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m), tổng mức đầu tư khoảng 7.353 tỷ đồng.

Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km) và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5km), tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.

Vành đai 3,5 bao gồm 2 đoạn: Đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 (dài 3,8km) và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 10,8km), tổng mức đầu tư khoảng 5.670 tỷ đồng.

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố còn có các tuyến Vành đai 4 và Vành đai 5 do Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện.

Danh mục các công trình cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống có 9 công trình, gồm: 3 công trình đã xác định chủ đầu tư (cầu Vĩnh Tuy do TP đầu tư; cầu Hồng Hà, Cầu Mễ Sở do Bộ GTVT đầu tư); 2 công trình cần lập đề xuất chủ trương đầu tư (cầu Vân Phúc, cầu Ngọc Hồi); 4 công trình lập lại đề xuất chủ trương đầu tư (chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Đuống 2).

Danh mục các công trình đường Quốc lộ gồm 5 công trình: 1 công trình đang lập đề xuất chủ trương đầu tư (Quốc lộ 6 chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách); 3 công trình cần giao triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư (Quốc lộ 1A cũ phía Nam, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 32); 1 công trình cần lập lại chủ trương đầu tư (Quốc lộ 21 chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP hợp đồng BOT sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách).

Danh mục các công trình có tính chất kết nối giao thông và kết nối liên vùng có 7 công trình: 3 công trình đang triển khai thực hiện (Đường trục phía Nam đang triển khai dự án đầu tư; Đại lộ Thăng long kéo dài và Đường nối cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú đang lập chủ trương đầu tư); 1 công trình chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (Đường nối từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3); 3 công trình cần triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư (Tây Thăng Long, đường nối đường Bái đính - Ba Sao và đường trục phía Nam; đường trục Bắc - Nam trên địa phận Phúc Thọ nối cầu Vân Phúc và QL32).

Danh mục các công trình nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông có 5 công trình: 3 công trình đã xác định chủ đầu tư đang triển khai thủ tục đầu tư (đường nối Pháp Vân Cầu Giẽ với đường vành đai 3, Đường Lê Quang Đạo kéo dài, Mở rộng phố Nguyễn Phong Sắc đoạn từ phố Nghĩa Tân đến đường Hoàng Quốc Việt); 1 công trình cần triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư (Đường 70 cũ đoạn từ cầu Đen đến giao với đường Phúc La); 1 công trình cần chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và đoạn Hà Đông - Văn Điển).

Danh mục các công trình nút giao thông quan trọng có 6 công trình: 5 công trình đã xác định chủ đầu tư, đang triển khai các thủ tục đầu tư. TP Hà Nội đầu tư 03 công trình: Hầm Chui Lê văn Lương, hầm chui vành đai 2,5, Cầu vượt chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Bộ GTVT đầu tư 2 công trình: Nút giao Hoàng Quốc Việt với Vành đai 3, Nút giao Cổ Nhuế trên đường Vành đai 3); 01 Công trình cần chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang ngân sách (Nút giao giữa đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long).

Danh mục các công trình nhằm hoàn thiện hạ tầng của các huyện lên quận, các công trình cầu yếu, giải quyết các bức xúc dân sinh sẽ tiếp tục được Sở Giao thông vận tải rà soát, tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương, ý kiến chỉ đạo của TP đối với từng công trình, dự án cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần