Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đón Tết bình an

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm mới Nhâm Dần 2022 đang cận kề, những ngày này, các cấp, ngành của TP Hà Nội đang nỗ lực để đảm bảo cho mọi người dân đều được đón Tết an toàn, ấm áp và thiết thực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và các đại biểu trao quà cho công nhân lao động Thủ đô tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an“ năm 2022. Ảnh: Nhật Nam  
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và các đại biểu trao quà cho công nhân lao động Thủ đô tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân bình an“ năm 2022. Ảnh: Nhật Nam  

Sức khỏe người dân là trên hết

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối cho Thủ đô, an toàn sức khỏe của Nhân dân đã luôn được Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đặt lên hàng đầu. TP Hà Nội luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, khi mật độ đi lại của người dân nhiều, nguy cơ lây nhiễm lớn…

Mặc dù những ngày gần đây, TP vẫn ghi nhận số ca nhiễm lên đến con số hàng nghìn, song phần nhiều là các trường hợp mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; tỷ lệ tử vong thấp (0,4%), chủ yếu là ở các trường hợp người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine. Có thể khẳng định, TP vẫn luôn chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo tạo điều kiện sinh hoạt của người dân, sản xuất kinh doanh của các DN đóng trên địa bàn.

Xác định vaccine chính là “vũ khí” quan trọng để chiến thắng đại dịch, thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân 2022 do Thủ tướng Chính phủ phát động, TP sẽ mở đợt tiêm chủng xuyên Tết, trong đó tập trung tiêm cho khoảng 1.000 người cao tuổi, có bệnh nền. Hiện nay, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn TP được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 là 99,7%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine là 98%.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, TP đang triển khai phương án đáp ứng 100.000 ca nhiễm trên địa bàn, đặc biệt chú trọng thực hiện “3 không” (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng, nếu chuyển nặng không tử vong); tăng tính chủ động và tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở. TP huy động các bệnh viện T.Ư, bộ, ngành và bệnh viện tư nhân tham gia điều trị người bệnh Covid-19. Đồng thời chủ động triển khai nhiều mô hình Tổ Covid cộng đồng, ATM oxy, đẩy mạnh Mạng lưới thầy thuốc đồng hành... đảm bảo kịp thời, không để chậm trễ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, giúp người dân yên tâm điều trị tại nhà.

Điển hình là mô hình bệnh viện đồng hành cùng y tế cơ sở quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà của Bệnh viện Phổi T.Ư hỗ trợ các phường thuộc quận Ba Đình. Sau gần một tháng triển khai điểm, với sự tư vấn, hỗ trợ điều trị từ xa của đội ngũ bác sĩ từ bệnh viện đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng y tế phường Vĩnh Phúc, hơn 170 trường hợp trên địa bàn phường khỏi bệnh, không có bệnh nhân diễn biến nặng. Ngoài ra, nhằm đa dạng kênh tiếp nhận thông tin của người dân, Bệnh viện Hồng Ngọc cũng tham gia vào mô hình “Trạm Y tế online” phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Trạm hoạt động 24/7, đồng hành với bệnh nhân trong quá trình điều trị tại nhà chu đáo, đã giảm tải áp lực cho lực lượng y tế địa phương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với mong muốn mang đến mùa Xuân ấm áp cho tất cả mọi người, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, TP đã chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương cho biết, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ủy ban MTTQ TP trao tặng hơn 3.300 suất quà Tết, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng và hàng chục tấn gạo tới người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dịp này, Mặt trận các cấp cũng tiến hành bàn giao 100 ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; 20 hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tiếp tục được trao hỗ trợ kinh phí 900 triệu đồng để xây nhà Đại đoàn kết. Cùng với đó, trên 1.700 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được những bộ máy vi tính, máy tính bảng với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng để phục vụ cho việc học trực tuyến.

Nhằm thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời đối với các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch của TP, Hà Nội sẽ bố trí trên 87,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của TP để thăm, tặng quà Tết đối với các tổ chức, cá nhân triển khai công tác phòng chống Covid-19. Đặc biệt, TP đã hỗ trợ, tặng 10.000 suất quà cho 10.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 5 tỷ đồng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, sự quan tâm lãnh đạo TP đối với CNVCLĐ Thủ đô.

Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Phi Thường cho biết, dịp Tết Nguyên đán này, các cấp Công đoàn TP ưu tiên dành nguồn ngân sách trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ CNVCLĐ. Trong đó, riêng LĐLĐ TP đã dành khoảng 71,3 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ NLĐ; thăm hỏi, hỗ trợ 14.000 suất quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền 14 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 1.200 CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất về quê đón Tết; hỗ trợ 50% kinh phí thuê phương tiện cho Công đoàn cấp trên cơ sở để tổ chức “Xe đưa công nhân về quê”; hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 2 tỷ đồng.

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều DN trên địa bàn TP vẫn dành nguồn kinh phí lớn để chăm lo Tết cho NLĐ. Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Kim khí Thăng Long Nguyễn Văn Luân chia sẻ, dịp Tết này, Công ty trích trên 7,5 tỷ đồng để thưởng cho NLĐ (tương đương mỗi NLĐ được thưởng khoảng 1 tháng lương) và trích trên 550 triệu đồng để mua quà Tết tặng cho tất cả NLĐ. Ngoài ra, Công ty cũng cho lao động có quê ở xa được nghỉ sớm trước Tết và đi làm muộn sau Tết để người lao động có thời gian và tâm lý thoải mái.

Là một trong số hơn 200 CNVCLĐ tham gia chương trình “Tết sum vầy – Xuân bình an năm 2022”, cầm trên tay tấm vé xe về quê miễn phí do LĐLĐ TP tặng, anh Trịnh Văn Quyền – công nhân Công ty CP Giày Hồng Hà bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của lãnh đạo TP, các cấp Công đoàn đến đời sống NLĐ. Không chỉ anh Quyền, mà còn rất nhiều NLĐ, người có hoàn cảnh khó khăn khác bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm của TP Hà Nội, để đảm bảo mọi người, mọi nhà, ai cũng có một cái Tết ấm áp và đủ đầy.

 

Ước tính tổng giá trị hàng hóa (gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau củ quả, thủy hải sản…) phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Các DN đã xây dựng và tổ chức khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 15% so với năm trước.

Các DN phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, để ứng phó với dịch Covid-19, các DN đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, TP, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

 

 

Công an TP đã triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và đấu tranh ngăn chặn các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ ngày 15/12/2021.

Về cơ bản các loại tội phạm cũng đã giảm. Công an TP đã chủ động ban hành kế hoạch về việc mở cao điểm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trong dịp Tết, với mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - Thiếu tướng Đào Thanh Hải