Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến cuối tháng 11/2019, TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho 25.214 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký là 345.929 tỷ đồng, tăng 8,2% về số DN và tăng 38,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018 nâng tổng số DN trên địa bàn TP lên gần 280.000 DN, đứng thứ hai trên cả nước.

Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm phát triển DN, cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp mới tăng qua các năm
Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT Hà Nội, những năm gần đây, DN trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số DN thành lập mới liên tục tăng qua các năm; trong đó, chủ yếu là DNNVV, chiếm 97%. Bình quân 38 người dân Thủ đô/DN, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước.
 Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của các DN. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, giảm chi phí cho DN. Điển hình như duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%; nộp thuế điện tử đạt 97,6%; rà soát, đơn giản hóa 430 thủ tục hành chính…
TP lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho DN thực hiện thủ tục về đăng ký DN; triển khai hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN như: Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành DN (CEO); Chương trình quản trị DN, khởi sự kinh doanh cho các DNNVV (ngân sách bố trí khoảng 21 tỷ đồng/năm); tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự DN; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cung cấp thông tin và mở rộng thị trường; hình thành và đẩy mạnh hoạt động của một số vườn ươm DN, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh…
Cũng theo Sở KH&ĐT, TP đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045” được TP Hà Nội xây dựng trên cơ sở thực hiện Quyết định số 844/QĐ - TTg ngày 18/5/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước.
Kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt 
Nhìn lại 3/4 chặng đường của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục lớn mạnh. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, các DN và doanh nhân Thủ đô đang nỗ lực vươn lên, áp dụng các mô hình kinh doanh đột phá để tạo đà cho tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, khu vực kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng, đóng góp nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2018 đạt 927,88 nghìn tỷ đồng, bằng 36,4% GRDP. Tỷ trọng đầu tư xã hội đã dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước. Với nguồn lực đó, kinh tế Thủ đô đã đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của cả nước.
Năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm từ 7,5% trở lên. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thành lập các cụm công nghiệp và đầu tư hạ tầng để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới công nghệ, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực…