Dự toán thu ngân sách gần 170.000 tỷ đồng Theo đó, tổng thu ngân sách trên địa bàn 169.420 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2015. Thu nội địa 152.130 tỷ, tăng 18,8% so với 2015; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 14.990 tỷ, tăng 9,1%; tổng thu ngân sách địa phương là 73.807 tỷ 766 triệu đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Về chi ngân sách địa phương, HĐND TP nhất trí với tổng chi là 73.807 tỷ 766 triệu đồng bằng 124,9% so với dự toán năm 2015. Tổng chi ngân sách cấp Thành phố năm 2016 là 56.385 tỷ 413 triệu đồng, bằng 119,7% so với dự toán 2015. Trong đó, chi phát triển 23.137 tỷ 12 triệu đồng; chi thường xuyên 20.505 tỷ 718 triệu, bằng 109%... Tổng chi ngân sách cấp quận, huyện, thị xã là 31.874 tỷ 525 triệu đồng; Tổng chi các khoản quản lý qua ngân sách 4.053 tỷ 569 triệu đồng.
HĐND TP cũng thống nhất phân công cơ quan quản lý thuế quản lý một số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố có quy mô lớn, phân cấp cho cấp quận, huyện, thị xã quản lý các doanh nghiệp quy mô nhỏ. HĐND TP chấp thuận tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ ngân sách tiền lương cho các đơn vị giáo dục công lập chất lượng cao năm thứ hai thực hiện chuyển đổi và tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các trường thí điểm mô hình chất lượng cao. Trước đó, báo cáo của UBND TP cho biết, để thực hiện dự toán ngân sách 2016, UBND TP Hà Nội đã đưa ra các giải pháp như triển khai hiệu quả các chính sách tài chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững. Tăng cường quản lý chi ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Điều hành ngân sách chủ động, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra... Tránh thất thoát tài sản công Trước khi Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP Hà Nội năm 2016 được thông qua, nhiều ĐB đưa ra ý kiến thảo luận, trong đó nổi bật là về nội dung quản lý tài sản công. ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) cho rằng Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP năm 2016 của TP Hà Nội chưa bàn thấu đáo đến quản lý tài sản công đã có. ĐB Nguyễn Hoài Nam chỉ ra: "Báo cáo 202 của UBND tuy có nói những tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản công nhưng thực trạng chưa đầy đủ và chưa nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản của nhà nước, đặc biệt là nhà của nhà nước. Từ năm 2012- 2013, HĐND TP đã giám sát về quản lý tài sản nhà của nhà nước và chúng ta đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, hạn chế, yếu kém, như sử dụng lãng phí, nhà cho thuê lại lấy chênh lệch giá, cho thuê không thu được tiền, mang vốn, nguồn lực của nhà nước ở nhà đi hùn vốn đầu tư nhưng không hiệu quả... ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên) cho rằng cần phải tận thu được nguồn thu ở địa phương bởi hiện chưa kiểm soát được tình hình, dẫn đến tình trạng "trôi nổi". Theo ĐB Bảo, trong cân đối ngân sách nguồn thu, nên đi sâu vào phân tích và kiến nghị Ban Kinh tế Ngân sách cùng sở ngành có chuyên đề nghiên cứu. Ví dụ thu từ tài sản công nhà nước như thế nào, nguồn sử dụng đất ra làm sao... Với Hà Nội nguồn thu khá lớn, nhưng chưa nắm được thực tế. Từ việc nắm rõ sẽ phải có cơ chế và giải pháp tận thu, tránh thất thoát. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐB, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách đề nghị tiếp thu vào dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung Điều 5 nội dung cần quản lý chặt chẽ tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm và xây dựng đề án khoán xe công. HĐND TP cũng giao UBND TP rà soát quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ.
Cũng sáng nay, HĐND TP Hà Nội đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 của TP Hà Nội. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 165.403 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương là 79.802 tỷ đồng; Tổng chi ngân sách địa phương là 74.187 tỷ đồng, trong đó chi chuyển nguồn ngân sách năm 2014 sang năm 2015 là 16.784 tỷ đồng, gồm: Chuyển nguồn ngân sách cấp Thành phố là 10.454 tỷ đồng, chuyển nguồn ngân sách cấp quận, huyện, thị xã là 6.330 tỷ đồng. Kết dư ngân sách địa phương 5.614 tỷ đồng, trong đó kết dư ngân sách quận, huyện, thị xã là 4.610 tỷ đồng. |