Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, hiện nay, TP Hà Nội có 3 đơn vị tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân ngoài công lập. Các chính sách hỗ trợ nạn nhân hiện đang thực hiện theo Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLDTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ.
Ngày 27/11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 84/2019/TT- BTC quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/01/2020 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 84/2019/TT-BTC), thay thế Thông tư liên tịch số 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH; trong đó tại khoản 3 Điều 7 quy định “Căn cứ các mức chi quy định tại Thông tư này, tuỳ điều kiện cụ thế và khả năng ngân sách, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức hô trợ cụ thế cho phủ hợp”.
Do đó, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết “Quy định về mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn thành phố Hà Nội” là cần thiết và đúng thẩm quyền.
Quy định về mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người; Nạn nhân của hoạt động mua bán người.
Về mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân gồm có chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại. Trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân được hỗ trợ tiền ăn, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng với mức hỗ trợ bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội (hệ số 1) là: 350.000 đồng/người/tháng nhân với hệ số tương ứng: Trẻ em dưới 04 tuổi hệ số 5,0; trẻ em từ 04 tuối đến dưới 16 tuổi hoặc từ đủ 60 tuổi trở lên hệ số 4,0; người từ 16 tuối đến 60 tuổi hệ số 3,0; người khuyết tật đặc biệt nặng, hệ số 3,0; người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em, là người cao tuối hệ số 4,0.
Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: Nạn nhân trong thời gỉan lưu trú tại cơ sở được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày và các chi phí khác 350.000 đồng/người/tháng.
Tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả trong những ngày đi đường là 70.000 đồng/người/ngày.
Về chi hỗ trợ y tế, trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lun trú tại cơ sở, sau 24 (hai mươi bốn) giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thấm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng với mức hỗ trợ 5.400.000 đồng.
Đối với chi trợ cấp khó khăn ban đầu, chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo của TP Hà Nội khi trở về nơi cư trú mức 1.000.000 đồng/người.
Về mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân, chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân là 200.000 đồng/người/ngày. Chi hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho nạn nhân với mức chi thù lao là 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn nhưng không quá 500.000 đồng/cán bộ/tháng.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nội dung và mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân như trên là phù hợp với thực tế của TP.
Với 90/92 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP khóa XV đã thông qua mức chi cụ thể hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người.