Thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, địa phương này hiện có hơn 5.300ha nhãn. Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng cũng có hơn 3.100ha nhãn, dự kiến thu hoạch từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, việc làm thế nào để vận chuyển và phân phối thông suốt lượng nhãn này từ Nam ra Bắc là điều khó khăn, do nhiều địa phương, bao gồm cả Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội.
Để hỗ trợ tiêu thụ khối lượng nhãn của 2 tỉnh, trên cơ sở “luồng xanh” được áp dụng thời gian qua, các địa phương sẽ chủ động có phương án cho từng ngày để vận chuyển ra phía Bắc, trọng tâm là Hà Nội. Tại Hà Nội sẽ bố trí các điểm tập kết và phân phối mặt hàng này một cách khoa học.
Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng kịch bản chi tiết cho từng cung đường, còn Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã lên danh sách các địa điểm bán. Việc triển khai cụ thể trong điều kiện dịch bệnh sẽ được các đơn vị phối hợp trong những ngày tới.
Ngoài trái nhãn, với những nông sản khác như khoai lang, xoài, chanh, cam, quýt, cá tra và hơn 100 sản phẩm OCOP, cơ chế trên cũng sẽ được áp dụng. Mục tiêu là hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ nông sản cho các địa phương phía Nam, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.
Cũng trong chương trình hội nghị đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến 4 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Đây là cơ sở giúp các bên có sự phối hợp nhịp nhàng để tiêu thụ hiệu quả nhất trong thời gian tới.