Toàn xã hội tích cực chung tay
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2021-2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực hiện sự chỉ đạo của TP, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai giải pháp phòng chống dịch song song với việc xây dựng kế hoạch, triển khai dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình. Tuy nhiên, qua thống kê ban đầu, trên địa bàn TP còn hơn 8.000 học sinh thiếu thiết bị học tập, có thiết bị nhưng chất lượng kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học chưa hiệu quả.
“Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021; với phương châm “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, Sở GD&ĐT Hà Nội phát động và kêu gọi các đơn vị, các cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng chương trình này nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu điều kiện học tập, đặc biệt là các em học sinh lớp 9, lớp 12…”- Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nói.
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trao hỗ trợ cho các giáo viên chịu ảnh hưởng dịch bệnh |
Những phần quà là máy tính, thiết bị học trực tuyến; đường truyền, sim data truy cập internet miễn phí sẽ là nguồn động lực quý báu giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, cố gắng học tập tốt, đạt được thành tích cao trong năm học mới.
Việc được tặng máy tính là nối dài tình yêu thương, trao cơ hội học tập cho học trò nghèo được bình đẳng trong giáo dục. Tại Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" tối 12/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: "Cho đi hay giữ lại? Cho đi hay mang đi? Đó luôn là một trong những câu hỏi mang tính người nhất mà rồi ai trong số chúng ta cũng có lúc phải đặt ra cho mình. Cho đi là làm cho thế giới giàu có hơn; cho đi là làm cho chúng ta có nhiều hơn... Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để tận hưởng niềm vui của sự cho đi- cũng không phải cho ai khác mà là cho tương lai của đất nước mình”. |
Chính vì ậy, ngành giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục vận động cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng, đóng góp, tham gia chương trình “Sóng và máy tính cho em”; khuyến khích các đơn vị phát động và hỗ trợ trực tiếp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại đơn vị, địa bàn phụ trách; làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương các tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ chương trình…
Được biết, trong thời gian dịch Covid- 19 bùng phát, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành đã triển khai hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó đợt 4 đã hỗ trợ 350 cán bộ, giáo viên, nhân viên với số tiền gần 500 triệu đồng.
Trao tận tay các học sinh nghèo
Theo Ban tổ chức, gần 3.700 bộ máy tính, 10.000 sim data truy cập internet miễn phí đã được các tổ chức trong và ngoài ngành trao tặng để gửi tới những học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến. Cụ thể: Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng; VNPT Hà Nội trao tặng 10.000 sim data truy cập internet miễn phí trong năm 2021; các phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Thanh Xuân và Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) ủng hộ gần 100 bộ máy tính bàn và máy tính bảng mới. Trước đó, ngay trong tuần đầu năm học mới các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã đã quyên góp được 2.345 thiết bị để trao cho các em học sinh kịp thời học trực tuyến.
Hai Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến và Nguyễn Quang Tuấn trao thiết bị hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn |
Tại chương trình, ngành Giáo dục Hà Nội đã trao hỗ trợ lần 1 là 62 bộ máy tính cho 62 học sinh thuộc các địa bàn khó khăn và đơn vị trực thuộc; trong đó trao tặng 5 huyện: Phúc Thọ, Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức mỗi huyện 10 bộ máy tính; trao tặng 2 trường: THPT Minh Quang và THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) mỗi đơn vị 6 bộ máy tính.
Các học sinh nhận hỗ trợ là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có thiết bị để học trực tuyến. Do điều kiện giãn cách xã hội nên chỉ trao đại diện cho 3 học sinh gồm: Đỗ Văn Tú Dương, lớp 8A, trường THCS Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ; Đào Diệu Huyền, lớp 6C, trường THCS Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên và Trần Phạm Tuân, học sinh lớp 9 thuộc huyện Mê Linh. 59 máy tính còn lại, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ trao cho đại diện lãnh đạo đơn vị để về tổ chức trao tận tay các học sinh khó khăn thuộc cấp mình quản lý.
Ban Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục trao biểu trưng cho các đơn vị ủng hộ và nhà tài trợ |
Là một trong ba học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ đợt 1, em Đào Diệu Huyền, lớp 6C, trường THCS Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên cho biết: Từ khi sinh ra, em đã không được may mắn như các bạn. Bố em bị bại liệt, phải ngồi xe lăn, cần người chăm sóc; mẹ em bỏ đi khi em vừa tròn 4 tuổi. Em được bà nội nuôi dưỡng, cưu mang trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
"Khi dịch bệnh xảy ra, trường chuyển sang học trực tuyến, bà không đủ điều kiện mua cho em thiết bị. Em được bạn bè, thầy cô quan tâm, giúp đỡ để khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, việc học không được đều đặn. Hôm nay, em rất xúc động, vui mừng khi tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cô, các bác, các thầy trong ngành giáo dục đã tặng em phương tiện học tập. Bộ máy tính là món quà lớn lao mà em chưa bao giờ dám mơ ước. Thay mặt 62 học sinh nhận hỗ trợ hôm nay, em xin hứa sẽ luôn nỗ lực, học tập chăm chỉ để đáp lại tấm lòng của ngành Giáo dục Hà Nội đã dành cho chúng em"- học sinh Đào Diệu Huyền bộc bạch.
Công bố Kho học liệu điện tử ngành GD&ĐT Hà Nội Tại chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố Kho học liệu điện tử ngành GD&ĐT Hà Nội tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn. Kho học liệu điện tử của ngành Giáo dục Hà Nội ra đời nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh có nguồn tư liệu tham khảo được thẩm định, góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” theo tinh thần chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, đến thời điểm hiện tại, số học liệu điện tử trên hệ thống HanoiStudy đã có hàng nghìn bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử tương tác (e-learning), các bài trình chiếu, đoạn phim (video clip), hình ảnh minh họa do các thầy giáo, cô giáo tâm huyết xây dựng và đã được Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT lựa chọn, kiểm tra thẩm định, bám sát chương trình giáo dục của cấp học mầm non, lớp 1, lớp 2 phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Trong thời gian tới, kho học liệu điện tử ngành Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện với sự đóng góp không ngừng của các thầy, cô giáo, từng bước hình thành nguồn tài nguyên giáo dục mở, phục vụ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi. |