Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban với các DN lữ hành quốc tế về đánh giá kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, sáng 19/7.
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" Ông Hồng cho biết, thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thanh kiểm tra hoạt động du lịch nhằm chấn chỉnh, siết chặt các hoạt động du lịch theo đúng các quy định, đảm bảo sự lành mạnh, an toàn cho môi trường du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển. khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.040.621 lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 9.974.450 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch đạt 31.306 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối 6 tháng đầu năm đạt 55,2%, ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 1,3 ngày/khách. |
Đầu tháng 12/2015, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch về công tác thanh, kiểm tra của ngành du lịch Thủ đô của năm 2016. Đầu tháng 1/2016, chúng tôi ra Kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng công an và thanh tra các cấp về thanh, kiểm tra hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Nhờ chuyển từ bị động sang chủ động cùng sự vào cuộc của liên ngành, liên cấp từ TƯ đến cơ sở tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên đến thời điểm này, trên địa bàn Thủ đô chưa phát hiện sự việc đáng tiếc nào. Có chăng chỉ là 1 số vụ chặt chém nhỏ lẻ đã được xử lý kịp thời.
Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra các điểm đến, Thanh tra du lịch Hà Nội còn chủ động làm việc với các DN lữ hành, khách sạn thường xuyên nhắc nhở chấp hành các quy định, ngăn ngừa xảy ra những vụ việc không mong muốn. Cùng với đó, công tác cấp đổi thẻ hướng dẫn viên được đặc biệt quan tâm nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ này.
Nhìn chung, vấn đề môi trường, tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch ở Hà Nội về cơ bản đã được cải thiện. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần được giải quyết như, tình trạng chèo kéo, ép giá ít nhiều ảnh hưởng tới ấn tượng của khách.
Ngăn ngừa mọi nguy cơ xấu Năm 2015, lượng khách Trung Quốc đi du lịch toàn cầu đạt 120 triệu lượt. Dù còn một số nhược điểm, nhưng đây là thị trường mà bất cứ quốc gia nào cũng không muốn bỏ qua. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng vậy. Theo ông Hồng: “Lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016 tăng đột biến với khoảng 250.000 lượt. Trong khi đó, khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng chưa đến 200.000 lượt. Với dòng khách Trung Quốc, Hà Nội luôn quan tâm ngay từ khi các đơn vị lữ hành, DN đón họ vào để vừa hướng dẫn, vừa theo dõi sát sườn nhằm phục vụ các "thượng đế" đến từ Trung Quốc một cách chu đáo nhất, để họ luôn cảm thấy hài lòng trong suốt hành trình khám phá Hà Nội”.
Theo giới chuyên môn, việc làm này còn giúp ngành công nghiệp không khói Thủ đô ngăn chặn những hành vi chèo kéo, ép giá, lừa đảo... đối với du khách Trung Quốc.
Ông Hồng cho biết thêm, để phục vụ khách Trung Quốc nói riêng, khách quốc tế nói chung được tốt hơn, ngoài lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên, chúng tôi bổ sung thêm 300 sinh viên của khoa du lịch các trường đại học, Viện đại học trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng là cách ngành du lịch Hà Nội làm mới mình và góp phần thể hiện hình ảnh thân thiện, mến khách.
Tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cách làm của ngành du lịch Thủ đô rất đáng để các địa phương khác học tập. Ông Bình phân tích: “Khách Trung Quốc không có tội, thậm chí, họ là người bị hại vì họ bị chính các DN Trung Quốc lừa đảo, chặt chém. Tuy nhiên, do DN, hướng dẫn viên Việt Nam tiếp tay cho DN Trung Quốc mới xảy ra tình trạng này. Chúng ta đừng trách khách Trung Quốc mà hãy tự trách mình trước”.
Minh chứng là nhờ thiết lập kỷ luật trong hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, nên dù khách Trung Quốc đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến nhưng không hề xảy ra tình trạng lộn xộn. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng: “Hà Nội không thể khẳng định việc không có công ty tiếp tay cho DN Trung Quốc. Chúng ta phải tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn viên để ngăn ngừa mọi nguy cơ xấu có thể xảy đến. Nnếu các đoàn khách vào không đủ điều kiện như phải đi theo doanh nghiệp lữ hành, không có hướng dẫn viên…thì các cơ quan liên quan không cấp phép". Về vấn đề này, Đại tá Lê Mạnh Tú, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an Hà Nội đề nghị các DN cần thông tin ngay cho lực lượng công an nếu nghi vấn hoặc xảy ra những trường hợp bất thường của khách du lịch.
6 tháng cuối năm, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về phát triển Du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Sở Du lịch Hà Nội tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quy chế quản lý cơ sở lưu trú du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch khu vực Hồ Tây, sông Hồng và hai bên sông Hồng để phát triển du lịch; tạo điều kiện về ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp để sớm khai thác, phát triển không gian du lịch Hồ Tây; xây dựng điểm trung chuyển dành cho khách du lịch đến Hà Nội. Bên cạnh đó, tham dự Hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch tại Jata (Nhật Bản) vào tháng 9, London (Vương quốc Anh) vào tháng 11...; tiếp tục tổ chức các sự kiện du lịch: Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội-Việt Nam 2016 từ 30/9 đến 4/10/2016, Festival áo dài Hà Nội 2016 từ 14/10 đến 16/10, Chương trình "Ký ức Hà Nội" tháng 12/2016. |