Làm thế nào để câu chuyện đá lát vỉa hè bền vững theo thời gian? Câu hỏi này đã được KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Hà Nội chủ trương lát vỉa hè đồng bộ bằng đá tự nhiên nhằm chỉnh trang các tuyến phố đẹp, hiện đại và văn minh hơn. Vậy vấn đề này nên được nhận định thế nào dưới góc độ nghiên cứu quản lý đô thị, thưa ông?- Về mặt chủ trương, việc Hà Nội quyết tâm lát đá tự nhiên trên diện rộng (930 tuyến phố) nội đô với mục đích làm đẹp đô thị và thuận tiện cho người đi bộ là tốt. Tuy nhiên, từ chủ trương đó đến hiện thực là một bài toán rất lớn. Thứ nhất về văn hóa ứng xử. Thứ hai về khoa học công nghệ và cuối cùng là thiết kế đô thị. Việc lát đá vỉa hè đồng loạt rất cần được cân nhắc trước để tránh lãng phí, cũng như sau một thời gian vỉa hè lại bị đào bới nham nhở bởi lắp đặt các đường ống, đường cáp ngầm, hay bị bong tróc vỡ gãy do thi công ẩu, bớt xén nguyên vật liệu.
Ông có thể đưa ra một số giải pháp cho bài toán vừa đề cập ở trên?- Đó là bài toán văn hóa, kinh tế và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Về văn hóa ứng xử, việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống mới của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ. Về góc độ đô thị, vỉa hè là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nơi chuyển tiếp để con người tiếp cận với những công trình kiến trúc từ trong nhà ra đến các công trình công cộng, chứ không phải để buôn bán và biến vỉa hè thành của riêng theo hình thức “bảo kê”. Đối với những nhà mặt phố được hưởng lợi ở vỉa hè phải có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện đúng theo quy định, quy chế riêng của TP khi sử dụng vỉa hè làm dịch vụ buôn bán.
Đồng thời, không nên đồng loạt lát đá vỉa hè. TP Hồ Chí Minh có khoảng 14 triệu mét vuông vỉa hè. Riêng ở Hà Nội, dù chưa có con số chính xác song ước tính cũng phải vài triệu mét vuông vỉa hè. Vì lẽ đó, nếu đồng loạt xới tung trên diện rộng để lát lại đá tự nhiên với mục đích chỉnh trang vỉa hè là không phù hợp. Bởi, hiện nay thế giới đang hướng đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, việc khai thác đá tự nhiên để lát vỉa hè đồng bộ là bất hợp lý.
|
Công nhân lát đá vỉa hè trên đường Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh |
Hiện tượng đá lát xong nhanh xuống cấp một phần là do ẩu khi khoán, đấu thầu các dự án. Đã đấu thầu rõ ràng các chủ đầu tư sẽ tính toán lợi nhuận. Theo đó, để tiết giảm chi phí, bên thi công dùng chủ yếu là thợ nghiệp dư, trong khi công tác này đòi hỏi công nhân lành nghề nắm được quy trình thi công. Một điều nữa, phải kiểm nghiệm chặt chẽ chất lượng đá đầu vào, từ đó mới quy được ra trách nhiệm. Trường hợp lát đúng kỹ thuật mà viên đá vẫn vỡ, xuống cấp nhanh, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù. Nếu không làm được điều này, sẽ gây lãng phí cực kỳ lớn cho TP và tạo dư luận xấu trong xã hội.
Thưa ông, trước những bất cập trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo không lát vỉa hè tràn lan. Vỉa hè chỉ được lát lại khi hạ ngầm xong hệ thống cáp viễn thông, tu sửa, trồng mới toàn bộ cây xanh và chỉnh trang xong toàn bộ hệ thống ánh sáng. Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo này?- Đây là một chỉ đạo rất sáng suốt và kịp thời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Từ đây, đòi hỏi sự phối hợp mạnh mẽ, quyết liệt của Sở Xây dựng và các quận, huyện. Cụ thể, phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra, kiểm soát những vỉa hè nào đã quá cũ nát để sửa chữa, khắc phục. Những vỉa hè nào đá vẫn dùng tốt, không nên chỉnh trang cải tạo để báo cáo cấp TP. Đá tự nhiên chỉ nên lát ở một số khu vực như phố đi bộ, phố cổ để tiết kiệm được chi phí và đỡ nhàm chán cho kiến trúc đô thị. Thực tế thời gian gần đây ở Hà Nội, nhất là dịp cận Tết, nhiều vỉa hè mới lát nhưng bên thi công đào hết đá, gạch lên để thay mới. Tôi cho rằng như thế lãng phí. Việc lát đá tự nhiên phải lưu ý đồng bộ toàn bộ hạ tầng ở dưới. Trường hợp các quận, huyện không làm được rõ ràng TP nên thu lại về một đầu mối thực hiện công tác này. Như các nước phát triển chỉ thống nhất một đầu mối về quản lý, lát lại vỉa hè ở khu vực nội đô, chứ để làm vỉa hè tràn lan sẽ không đảm bảo.
Vậy khâu quản lý vỉa hè sau khi hoàn thành lát đá thì sao, thưa ông?- Sau khi nghiệm thu xong, phải sử dụng ngay. Vấn đề quản lý vỉa hè như phải đi song song với xây dựng ý thức văn hóa đô thị cho công dân. Chúng ta mới chỉ nói một chiều chứ chưa nói đến khía cạnh người sử dụng. Vỉa hè của nhiều nước trên thế giới dù không lát đá nhưng vẫn rất tinh tươm. Bởi, không bị lấn chiếm, không có vật kiến trúc cản trở. Bên cạnh đó, họ còn đảm bảo 1,5m vỉa hè dành cho người đi bộ theo diện tích được Liên Hợp quốc quy định cho xe lăn người tàn tật.
Trong khi đó, vỉa hè của chúng ta vẫn bị chiếm dụng làm bãi đậu ô tô, xe máy hay quán bia hơi, cà phê, tồn tại năm này qua năm khác. Như thế, then chốt nhất là phải thay đổi cách ứng xử. Để quản lý bài bản hơn, Hà Nội cũng nên nghĩ đến việc thành lập công ty quản lý và khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng... và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời, việc này cũng tạo ra nguồn thu rất lớn cho TP thông qua việc tổ chức khai thác vỉa hè.
Xin cảm ơn ông!