Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong chuyển đổi số

Thanh Hải - Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TP Hà Nội đang triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận tiện, giảm thiểu việc đi lại của người dân, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang chia sẻ tại hội thảo.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang chia sẻ tại hội thảo.

Chiều 29/11, trong khuôn khổ hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023" đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.

Chia sẻ tại hội thảo về những bài toán đang cần lời giải để xây dựng thành phố thông minh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố thông minh. Hà Nội có dân số cơ học trên 10 triệu dân; là nơi tập trung các trụ sở, cơ quan, trường học, di tích… Chuyển đổi số tại Hà Nội là nhu cầu thiết yếu.

Trong năm qua, tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội gặp một số khó khăn thách thức, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Phó Chánh Văn phòng UBND TP cũng cho biết, so với dư địa phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân thì tiến trình chuyển đổi số của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác.

Ông Cù Ngọc Trang cho biết, năm nay TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; đặc biệt là sự tiên phong của lãnh đạo UBND TP với tư duy rất quyết đoán và quyết liệt đã giúp quá trình chuyển đổi số có chuyển biến tích cực.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND TP, khó khăn ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số của TP Hà Nội là nhận thức và sự quyết tâm tại một số cơ sở còn chưa quyết liệt. Ngoài ra, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, nếu được ủng hộ thì tiến trình sẽ được diễn ra nhanh hơn và thực chất hơn. Bên cạnh đó, vấn đề dữ liệu còn chưa tập trung, chưa được chia sẻ kết nối…

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo. 
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo. 

Ông Cù Ngọc Trang cho biết, một năm Hà Nội phát sinh 4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác; xử lý khoảng hơn 1.800 thủ tục hành chính. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của người dân và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng.

"Thách thức lớn nhất là người dân phải tham gia vào dịch vụ công trực tuyến. Muốn vậy, người dân phải có kỹ năng số và cũng mong muốn tham gia vào dịch vụ công. Vừa qua, Hà Nội đã miễn lệ phí một số dịch vụ công cho người dân. Tới đây, Hà Nội sẽ để cán bộ công chức đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tuyên truyền cho người xung quanh về các tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến"- Phó Chánh Văn phòng UBND TP nhận định.

Ngoài ra, TP đang xây dựng vị trí việc làm cho bộ phận cán bộ một cửa, làm sao tạo hình ảnh thân thiện của cán bộ với người dân; xây dựng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính phải thông minh, tiện ích cho người dân, tránh rườm rà. Bên cạnh đó, TP tái cấu trúc và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc tái sử dụng các kết quả thủ tục hành chính để làm sao giảm thiểu thủ tục, tạo thuận tiện cho người dân. Hà Nội đang xây dựng kho dữ liệu cá nhân, tổ chức để khi giải quyết thủ tục hành chính người dân có thể lấy kết quả thủ tục đã được số hóa để giải quyết các thủ tục hành chính khác. Đồng thời, TP tập trung giải quyết điểm nghẽn trong việc chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành.

Chia sẻ một số công việc sắp tới, ông Cù Ngọc Trang cho biết, TP sẽ triển khai nền tảng công dân số, công chức số trên địa bàn TP; thí điểm tiếp dân trực tuyến...

Tại hội thảo, ông Trần Thiện Chính – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện nhận định, để Hà Nội chuyển đổi số toàn diện khả thi và hiệu quả, người đứng đầu các cấp phải nhận thức đúng và có quyết tâm thực hiện. Ngoài ra, các chế độ chính sách, tiêu chuẩn quy chuẩn để triển khai việc chuyển đổi số. Quan trọng nhất là nền tảng kỹ thuật số để biến ý chí và hành động thành hiện thực.

Trong khuôn khổ hội thảo, một số diễn giả đã chia sẻ về hợp tác Chính quyền đô thị và doanh nghiệp trong việc kiến tạo và khai thác dữ liệu số - thúc đẩy đổi mới sáng tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp; Hình thành hệ sinh thái chính quyền số, lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng đô thị thông minh; Tích hợp và chia sẻ dữ liệu để phát triển thành phố thông minh; hệ thống điều hành khu đô thị thông minh…