Doanh nghiệp lữ hành khấp khởi Bày tỏ sự ủng hộ quyết định này, chị Genie Bouchard (người Canada) cho biết: “Do lệch múi giờ nên 12 giờ đêm ở Hà Nội, tôi không thể ngủ được. Lúc đó, tôi rất muốn thăm Phố Cổ hoặc ăn uống, nhưng các hàng quán hầu hết đã đóng cửa, nên tôi đành ở khách sạn. Tôi cảm thấy bị lãng phí thời gian vô ích. Bởi vậy việc cho phép các nhà hàng, quán bar mở cửa đến 2 giờ sáng sẽ giúp Hà Nội tăng thêm sức hấp dẫn”.
Giới lữ hành cũng mừng ra mặt trước thông tin lùi "giờ giới nghiêm". Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng cho biết, suất chiếu rối nước muộn thường bắt đầu lúc 18 giờ 30 phút. Sau đó, khách được đưa đi ăn tối và dạo chơi chợ đêm Hàng Ngang - Hàng Đào thì đã gần 24 giờ - lúc ấy khách không có lựa chọn nào ngoài trở về khách sạn. Do vậy, việc cho phép mở cửa các khu vui chơi giải trí sau 24 giờ sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, dịch vụ giải trí về khuya ở Hà Nội tại các con phố nổi tiếng như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Hàng Bè… Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành APT Travel Nguyễn Hồng Đài còn khẳng định, việc làm này sẽ mang đến lợi ích kép cho du lịch Thủ đô. Cụ thể là: Kích thích phát triển các dịch vụ, sản phẩm; kéo dài thời gian lưu trú của khách; tăng doanh thu và sức hấp dẫn cho du lịch... “Các “thượng đế” đến với Hà Nội chủ yếu là khách đi lẻ, do vậy đa số sẽ có tâm lý muốn tự do trải nghiệm” - ông Đài phân tích. Cần bộ tiêu chuẩn chi tiết Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay dù có “giờ giới nghiêm” nhưng nhiều quán bar vẫn hoạt động chui. Do vậy, việc Hà Nội cho phép các quán bar hoạt động sau 24 giờ ngoài việc phục vụ nhu cầu của du khách, còn nhằm mục đích quản lý tốt hơn. Yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar sau 24 giờ là đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh; đăng ký kinh doanh; cách âm tốt không gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh và nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em...
Biết chắc Hà Nội sẽ tăng cường quản lý hoạt động này, song giới lữ hành vẫn không khỏi lo lắng. Ông Năng cho rằng, các cơ quan quản lý về du lịch cần chủ động truyền thông danh sách các điểm vui chơi phục vụ đêm đạt tiêu chuẩn để gợi ý cho du khách khi đến Hà Nội và đưa vào chương trình tour của các hãng lữ hành. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, các chương trình biểu diễn quy mô với lịch diễn định kỳ. Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HanoiRestour Nguyễn Công Hoan còn thẳng thắn: Bất kỳ sự việc nào cũng có tính hai mặt. Vì thế, TP cần có quy hoạch khu vực nào được phép vui chơi, giải trí mở cửa về đêm để quản lý chặt. Đồng thời, phải có bộ tiêu chuẩn, điều kiện của một điểm vui chơi, giải trí được phép hoạt động sau 24 giờ một cách chi tiết. Khi cấp phép, cơ quan quản lý Nhà nước cứ chiểu theo quy hoạch, bộ tiêu chuẩn để cấp phép và kiểm tra. “Tiêu chuẩn đó nên công khai để tất cả các nhà kinh doanh thực hiện, tránh tình trạng xin - cho. Khi đã có bộ tiêu chuẩn, khách sai thì phạt khách, nhà hàng sai thì phạt nhà hàng, tránh gây dư luận không tốt” - ông Hoan phân tích.
Du khách nước ngoài dạo đêm phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |
Khách nước ngoài thưởng thức bia hơi phố cổ. Ảnh: Hải Linh |
Bãi bỏ quy định cấm vui chơi sau 12 giờ đêm là một giải pháp thiết thực, hiệu quả để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách. Điều này sẽ thu hút được thị trường khách du lịch trẻ tuổi, đa dạng hóa đối tượng khách du lịch đến với Thủ đô. Tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị tham mưu cho UBND TP có kế hoạch, phương án cụ thể để lường trước và khắc phục những khó khăn khi áp dụng quy định mới. Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Sở GTVT Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trình TP xem xét. Theo đó, bắt đầu từ 1/9, trong khung thời gian 19 giờ Thứ sáu - 24 giờ Chủ nhật hàng tuần sẽ có 15 tuyến phố được tổ chức dành riêng cho người đi bộ (như Kinh tế & Đô thị đã thông tin trong số báo trước). Và, để đảm bảo giao thông, Sở GTVT sẽ lắp đặt 13 biển chỉ dẫn, 9 biển thông báo, 17 biển cấm phương tiện quanh khu vực tổ chức các tuyến phố đi bộ, đồng thời dự phòng 25 biển báo các loại. Cùng với đó sẽ có 56 điểm trông giữ xe khách, xe du lịch, phương tiện cá nhân các loại để phục vụ người dân và khách tham quan. Trong đó 33 điểm đã được cấp phép, 23 điểm đang chờ cấp bổ sung. Ngoài ra Sở cũng giao Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị điều chỉnh 7 tuyến xe buýt có điểm đầu cuối và lộ trình đi qua khu vực tổ chức đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Việc điều chỉnh được thực hiện ổn định lâu dài bắt đầu từ 1/9, đảm bảo 100% năng lực vận chuyển để không gây ảnh hưởng lớn đến hành khách. Giao Thanh tra Sở phối hợp với Công an TP, quận Hoàn Kiếm, Đoàn Thanh niên TP lập 3 vòng chốt với 56 điểm ứng trực nhằm cấm triệt để các loại phương tiện giao thông ra vào khu vực dành cho người đi bộ. (Ngọc Hải) |