KTĐT - Đã 20 ngày nay, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến người trồng hoa không khỏi bồn chồn, lo lắng vì bao công chăm mà hoa mãi “không chịu”… nở.
“Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn cả vào cho vụ hoa Tết, vậy mà năm nay lại mất mùa. Ông trời hành người nông dân nhiều quá…” - chị Đào Thị Nga (làng hoa Đại Thịnh, huyện Mê Linh) bùi ngùi tâm sự về mùa hoa Tết sắp mất trắng vì giá rét.
Não lòng vì trời rét
Dạo quanh những làng hoa ở Hà Nội như: Mê Linh, Tây Tựu, Quảng Bá, Nghi Tàm những ngày này chỉ thấy sương phủ trắng những cánh đồng trồng hoa bạt ngàn, thỉnh thoảng bắt gặp cúc gối vụ mới bắt đầu đơm nụ chúm chím.
Đã 20 ngày nay, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến người trồng hoa không khỏi bồn chồn, lo lắng vì bao công chăm mà hoa mãi “không chịu”… nở.
Chị Đào Thị Nga - ở làng hoa Đại Thịnh, huyện Mê Linh buồn lòng chia sẻ: “Nhà tôi trồng 6 sào hoa, mỗi sào hoa đầu tư hết khoảng 5 triệu đồng và cả nhà mất công chăm sóc trong vòng 2 tháng, lâu hơn thì là khoảng 70 ngày sẽ được thu hoạch.
Vậy nhưng, giờ đã cận Tết rồi mà 6 sào hoa thì chỉ có 1 sào đang hé nụ, trong số đó cũng chỉ thu hoạch được đúng dịp Tết được khoảng 30% mà thôi... Trời rét quá nên hoa không nở được, cứ ra đến ruộng hoa là tôi não hết cả ruột!”
“Như mọi năm thì thời gian này hoa đã bắt đầu thu hoạch rồi, nhưng năm nay vẫn đang đi tỉa lá, đến rằm tháng Giêng mới được thu hoạch. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ dồn cả vào đầu tư cho hoa Tết, vậy mà năm nay lại mất mùa. Ông trời hành người nông dân nhiều quá…” - chị Nga xót xa.
Tại làng hoa Quảng Bá, dù đã đến thời điểm cận Tết nhưng người trồng hoa vẫn đang “ngóng” thời tiết.
Thời điểm này, vào vườn hoa đào (Nhật Tân, Hà Nội) người ta thấy trừ những cây đào tuốt lá cho nở sớm để bán vào dịp ngày rằm, còn lại những gốc đào Tết vẫn như đang “nằm ngủ” im lìm.
“Lẽ ra, vào dịp này hàng năm khách tới vườn xem và đặt mua đào đã tấp nập lắm rồi nhưng năm nay thì thưa khách tới, do thời tiết lạnh quá mà đào chưa thể ra nụ, nẩy lá. Nhìn những luống đào thế này mà dịp tết ông trời không cho được “ăn” cũng phải chịu thôi. Lỗ hay lãi năm nay phụ thuộc cả vào ông trời” - anh Công, chủ một vườn đào ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết.
Cũng theo anh Công: “Thời tiết rét, người trồng hoa sốt ruột, cả nhà đổ ra bãi hàng ngày để chăm bón, tưới tắm mong giữ ấm cho từng gốc đào. Cây đào không “ăn” điện nên những người trồng hoa không thể quây nilon hay vải bạt để thắp điện giữ ấm cho cây”.
Giá hoa Tết sẽ tăng khoảng 40%
Khảo sát ở một số chợ và đầu mối thu gom hoa cho thấy, do các làng hoa ven đô mất mùa nên giá hoa Tết năm nay dù bán buôn, bán lẻ trên thị trường cũng tăng cao.
Tại chợ hoa Nghi Tàm và Mê Linh, do các làng hoa bị mất mùa nên thị trường rất được giá.
Hiện tại giá bán buôn hoa cúc vàng là 4 đồng/bó (tức 400.000 đồng/100 bông hoa), hoa hồng mua buôn từ 2,5 - 3.000 đồng/bó, hoa ly giá bán tại ruộng là từ 25.000 đồng/cành, lay ơn bán buôn với giá 20.000 đồng/bó 10 bông…
“Tình hình cứ như thế này, chắc nhà bãi chúng tôi chỉ trông chờ gỡ gạc vào mấy luống hoa đào sơm này, chứ đào tết thì khó hy vọng lắm. Mỗi cành đào bây giờ mang ra chợ bán cũng được 200.000 đồng tới 300.000 đồng, chứ mỗi gốc đào tết tuy là bán giá có cao hơn đấy nhưng ông thời tiết thế này không biết có trông mong gì không” - Bác Phúc, chủ một vườn đào ở Nhật Tân cho biết.
Bây giờ, lác đác đã có khách tới mua những cây bích đào và đào phai. Loại đào sớm (bán trước tết) này đến nay cũng có giá khá cao từ 3000.000 đồng/cây tới 6000.000 đồng/cây. Giá cả là tùy thuộc vào có gặp khách hay không và thế dáng đào đẹp thế nào, có cây tới cả chục triệu bạc.
“Giá đào năm nay có thể sẽ cao hơn năm ngoái từ 3 - 4 lần. Khách mua cây loại nào thì tính tiền cây loại đó. Năm nay nhà bác sợ mất cả khách thuê gốc đào. Đây là khách truyền thống của gia đình. Năm nào họ cũng tới đây đặt mua nhưng năm nay vào nhìn vườn đào thế này khách cũng đang lưỡng lự, phân vân…” - Bác Sơn chia sẻ.