Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: nâng chất lượng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 19/7, Sở KH&CN Hà Nội tổ chức hội nghị định hướng, hướng dẫn kế hoạch KHCN&ĐMST năm 2025; kiểm tra thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025” tại huyện Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh.

Sóc, Sơn, Đông Anh, Mê Linh và Gia Lâm là 4 huyện của Hà Nội. Điểm chung của 4 huyện này đều là huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận. Trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST và Nghị quyết 52-NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 trên địa bàn các huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và cho hiệu quả thiết thực.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước, công tác sáng kiến, hoạt động duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề… đã được các huyện quan tâm triển khai. Ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động quản lý điều hành cũng như trong mọi mặt của nền kinh tế xã hội góp phần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức, người lao động, các hoạt động phục vụ Nhân dân được triển khai nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo.

Các hoạt động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất lao động, xã hội, điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản có sản lượng tương đối ổn định, đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến nông sản. Thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh quản lý trên địa bàn.

Qua việc tích cực tham gia phong trào thi đua, thực hiện và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm của các cá nhân tại đơn vị công tác đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Nhiều DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đã áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiều dùng của Nhân dân. Các sản phẩm dược bảo hộ nhãn hiệu đều phát huy vai trò trong sản xuất kinh doanh, đem lại giá trị trong xã hội.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các huyện, việc triển khai đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng. Chính sách hỗ trợ công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn. Các DN chưa thực sự mặn mà trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, đại diện các huyện kiến nghị TP và Sở KH&CN tiếp tục quan tâm hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ. Đặc biệt, tổ chức tập huấn, học tập trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên, công chức cấp huyện và cấp xã về lĩnh vực KHCN. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, DN ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải trong chăn nuôi…

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Sở KH&CN Hà Nội đã giải đáp các kiến nghị và đề xuất của các huyện liên quan tới lĩnh vực KHCN&ĐMST. Cùng với đó, định hướng, tư vấn cho các địa phương về kế hoạch lựa chọn triển khai các nhiệm vụ KHCN&ĐMST phù hợp với thực tế từng địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà đánh giá các huyện đã đã tích cực vào cuộc triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ KHCN và Chương trình 07 của Thành ủy, KHCN đã được ứng dụng sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực.

Gợi mở những nhiệm vụ KHCN trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hà khuyến nghị các địa phương cần căn cứ vào tình hình và yêu cầu thực tế từ địa phương để đề xuất các nhiệm vụ khoa học cho phù hợp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh kết nối đặt hàng hàng năm. Sở sẽ là cầu nối giữa nhà khoa học, DN và địa phương để chuyển giao KHCN vào thực tế. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, phát huy hiệu quả giá trị của những sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu; triển khai thực hiện Chương trình 07 của Thành ủy có hiệu quả để phát triển tiềm lực KHCN; ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế địa phương…