Phó Bí thư Thường trực thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình phát triển kinh tế tại huyện Gia Lâm tháng 9/2018. Ảnh: Phạm Hùng |
Hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng rau hữu cơ của vợ chồng anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) dù mới hoạt động được hơn một năm nhưng đã trở thành mô hình điểm về ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Khu nhà lưới rộng 4.000m2, được lắp đặt hệ thống phun tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng các giống rau, củ, quả nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) như su hào hoa, bắp cải tí hon…
“Với thế mạnh là thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học, công nghệ tốt, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có nhiều hơn nữa những mô hình cho giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản”.Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Nhờ áp dụng công nghệ, sản phẩm rau đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, trung bình mỗi ngày, gia đình anh chị thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh, với giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. “Vào vụ cao điểm, doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình cho giá trị thu nhập bình quân đạt 6 tỷ đồng/ha/năm” - chị Cuối chia sẻ.Một trong những mô hình được đánh giá cao và có ưu thế vượt trội khác là mô hình trồng măng tây ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, 5ha trồng măng tây ứng dụng CNC của huyện đang cho thu hoạch với sản lượng đạt 20 tấn/ha, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg, đây sẽ là sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 126 mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, cho giá trị gia tăng lớn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt chiếm 18%, chăn nuôi 34%, thủy sản 13%, tập trung tại các huyện: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (17), Thường Tín (14), Thanh Oai (9), Phúc Thọ (8), Đông Anh (8), Đan Phượng (8)...
Trồng nấm theo công nghệ cao tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Bên cạnh 126 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, toàn TP đã xây dựng được 118 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp CNC và liên kết trong sản xuất đã góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43,16 triệu đồng/người/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 12,19% năm 2008 (theo chuẩn cũ) xuống còn 1,8%. |