Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Phố cổ sau một năm bỏ “giờ giới nghiêm”

Hoàng Huy - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm thí điểm theo chủ trương của TP, hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật ở quận Hoàn Kiếm đã có tác động đáng kể trong thu hút du khách và tăng khả năng kinh doanh cho các nhà hàng.

Song, việc kéo dài thời gian kinh doanh về đêm cũng tiềm ẩn nhiều tệ nạn khiến chính quyền sở tại luôn phải “căng mình” quản lý.

Phố sáng về đêm

Một năm sau khi bỏ "giờ giới nghiêm” trên con phố Tạ Hiện – phố của người Tây, sau 24 giờ đèn đường và quán xá vẫn rực rỡ, không còn cảnh ngoài cửa tối bên trong sáng như một dạo. 1 giờ sáng những ngày đông rét, Jose Pradas - người Tây Ban Nha vẫn tay trong tay cùng mấy người bạn đồng hành trong chuyến du lịch lần này. Sau những phút thư giãn trong bar, họ lại cùng nhau dạo bộ ra Nhà thờ Lớn tìm một quán ăn đêm, thưởng thức cái tĩnh lặng của Hà Nội về đêm.

Không chỉ tập trung ở phố Tạ Hiện, phường Hàng Buồm với lợi thế có nhiều phố ẩm thực, nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật đường phố, lại nằm trong không gian đi bộ thuộc khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội, nên trở thành trung tâm vui chơi, giải trí của Hà Nội về đêm. Từ 22 giờ trở đi mỗi tối cuối tuần, các tuyến phố thuộc phường Hàng Buồm đông đúc, thậm chí quá tải. Gần 24 giờ hàng đêm, lực lượng công an và tự quản phường đều đi nhắc nhở các quán kinh doanh thu dọn, đóng cửa. Thời điểm sau đó, phố xá trở nên vắng lặng hơn, chỉ còn các nhà hàng được phép kinh doanh đến 2 giờ vẫn tấp nập.

Khách nước ngoài ăn đêm trên phố Mã Mây. Ảnh: Hải Linh

“Cuối tuần, chúng tôi cho phép mình được trải nghiệm cảm giác uống rượu mạnh, nhảy múa tưng bừng rồi bắt taxi về nhà hoặc chọn 1 khách sạn trong phố cổ để qua đêm. Vài năm trước, tôi chỉ có thể cảm nhận cách chơi này khi đi công tác nước ngoài. Một năm trở lại đây, tôi có thể chọn cách ăn chơi như thế ở Lương Ngọc Quyến hoặc Tạ Hiện” – Vĩnh Minh (27 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ. Phố chơi về đêm của Hà Nội không chỉ có bar, mà còn đủ cả các dịch vụ ăn uống, cà phê, karaoke, khách sạn. Toàn quận Hoàn Kiếm có 44 cơ sở đủ điều kiện tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh đến 2 giờ các ngày cuối tuần, trong đó khu phố cổ có 22 cơ sở, riêng phường Hàng Buồm có 11 cơ sở.

3 đêm trực chiến của lực lượng an ninh

Trong một hội nghị về kiểm tra dịch vụ kinh doanh karaoke, Thượng tá Bùi Văn Đang - Phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm phải thốt lên, cuối tuần hàng chục nghìn người đổ về phố đi bộ, chơi đêm ở các phố cổ là lúc hàng trăm người trong đội an ninh phải căng mình. "Trong 3 ngày nghỉ, tất cả anh em chúng tôi đều xếp đồ, ăn ngủ ngay tại địa bàn, không có lúc nào về nhà" - ông Đang chia sẻ. Đặc biệt, từ khi TP cho phép các cơ sở kinh doanh đến 2 giờ sáng, nhân lực kiểm tra, kiểm soát của công an quận phải huy động nhiều hơn, công việc phát sinh lớn hơn. Không thể phủ nhận, sau một năm triển khai, việc thí điểm tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ ngày hôm sau đã đạt những kết quả nhất định, khai thác được thế mạnh của khu phố cổ, khu phố cũ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong thu hút khách du lịch. Ngược lại, hoạt động kinh doanh dịch vụ đến thời điểm 2 giờ ngày hôm sau cũng phát sinh nhiều bất cập, trong đó phải kể tới các tệ nạn xã hội như say rượu, gây rối trật tự công cộng, một số đối tượng hình sự, ma túy lợi dụng để hoạt động tội phạm… “Chúng tôi chỉ mong có cơ chế nào giải tán dược quán bar Hey Club (57 Cửa Nam). Cuộc tiếp xúc cử tri nào dân cũng kêu về tiếng ồn, đã từng xảy ra nổ súng trước cửa quán bar, rồi chuyện mặc quốc kỳ nhảy múa phản cảm để quảng cáo… Chúng tôi phạt đến mức… chán phạt. Phạt mức cao nhất hơn 100 triệu mà họ vâng dạ nộp luôn, nhưng sai phạm thì vẫn tái diễn, song lại chưa đủ cơ chế để bắt đóng cửa” – ông Nguyễn Vĩnh Hồng – Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam bày tỏ.

Không chỉ có Hey Clbub, mà còn không ít quán cà phê, nhà hàng sử dụng âm nhạc công suất lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh, thậm chí xuất hiện tình trạng sử dụng bóng cười, shisa... Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh muộn làm ảnh hưởng đến việc thu dọn vệ sinh của cơ quan vệ sinh môi trường, một số cơ sở lợi dụng việc tổ chức thí điểm để kinh doanh quá giờ quy định vào những ngày khác trong tuần. Trước thực trạng đó, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các phường tuyên truyền sâu rộng các chủ cơ sở kinh doanh, cam kết đảm bảo các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, tăng cường công tác quản lý các cơ sở này trong thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng. Lực lượng Công an phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở chấp hành hoạt động kinh doanh đúng thời gian quy định. Với các cơ sở tập trung đông người, lực lượng liên ngành của các phường thường kiểm tra đột xuất, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Đội quản lý thị trường số 2 đã phát hiện, thu giữ hàng trăm bình N2O (bơm bóng cười), gói shisa, bóng cao su…, đồng thời xử phạt các đối tượng vi phạm.

Tiếp tục nghiên cứu đề án

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, một năm thực hiện chủ trương dỡ bỏ "lệnh cấm" kinh doanh sau 24 giờ của TP, thực tế đã thể hiện những mặt được và hạn chế. Đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa đòn bẩy về kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, TP nên tiếp tục thí điểm rộng hơn trước khi chính thức đưa vào thực hiện. “Việc TP xem xét dỡ bỏ cấm kinh doanh sau 24 giờ là một chủ trương tốt, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước và là nhân tố quan trọng để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với lãnh đạo TP là sẽ quản lý thế nào để vừa phát triển được du lịch, lại vừa đảm bảo được an ninh trật tự, bởi quản lý ban đêm rất khác so với quản lý ban ngày. Thực tế suốt năm qua chúng ta đã chứng kiến nhiều vấn đề phát sinh, cơ quan quản lý cũng lúng túng trong khi xử lý” - bà An phân tích.

Theo ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, quận đã xây dựng Dự thảo Đề án thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ đến 2 giờ ngày hôm sau trong khu vực phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu phố cũ thuộc quận. Theo đó, Đề án quy định cụ thể mục tiêu, yêu cầu tổ chức, quản lý các hoạt động kinh doanh đến 2 giờ, phạm vi áp dụng, đối tượng áp dụng, nguyên tắc quản lý, thời gian tổ chức thí điểm, điều kiện tổ chức và quy định đăng ký tổ chức các hoạt động kinh doanh đến 2 giờ. Dự thảo đã được Thường trực Quận ủy và sở, ngành liên quan cho ý kiến; UBND quận đã hoàn chỉnh dự thảo đề án để báo cáo, xin ý kiến TP xem xét. Mục đích để công tác quản lý và hoạt động của các cơ sở kinh doanh đến 2 giờ được tốt hơn, đạt được mục tiêu ban đầu là tạo thêm điểm vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch khi đến Hà Nội.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên mở rộng cấp phép bán hàng tới 2 giờ sáng với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như các hàng ăn đêm bởi khó kiểm soát chất lượng dịch vụ. Sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều cơ sở đủ điều kiện để kinh doanh đến 2 giờ sáng, lượng khách sẽ đông hơn. Để đảm bảo chất lượng phục vụ du khách, cần có đủ dịch vụ đi kèm, đặc biệt là vệ sinh công cộng còn rất thiếu. Hoàn Kiếm cũng cần nghiên cứu, quy hoạch các dịch vụ tập trung ở từng tuyến phố để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Quy định không được hoạt động sau 24 giờ khiến du khách tới Hà Nội có cảm giác đơn điệu, thiếu sinh động, nhất là khi so sánh với các TP khác trong khu vực. Sau khi thí điểm thành công rồi, TP Hà Nội nên nghiên cứu kỹ trước khi mở rộng vùng thí điểm. Muốn quản lý tốt, TP cần phân rõ trách nhiệm quản lý cho ai, phân cấp quản lý thế nào?

Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội