Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thời gian qua, các cấp công đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ cấp cơ sở đến TP với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo công nhân, người lao động (CN, NLĐ) tham gia.

Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy, trong năm 2023 các cấp  công đoàn đã sôi nổi, tích cực tổ chức các hoạt nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp có đông công nhân, thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, học hỏi, thư giãn sau những giờ làm việc, nhiều đơn vị đã có sự đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức hoạt động.

Công nhân, người lao động được nâng cao kiến thức thông qua Tủ sách Công đoàn.
Công nhân, người lao động được nâng cao kiến thức thông qua Tủ sách Công đoàn.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo nên không khí phấn khởi, thu hút được đông đảo CN, NLĐ tham gia. Có thể kể đến một số hoạt động như Hội khỏe Cán bộ, giảng viên, người lao động khối các trường Đại học, Cao đẳng năm 2023, thu hút gần 1.000 vận động viên tham gia tranh tài các môn bóng bàn, cầu lông, kéo co và hàng nghìn cổ động viên cổ vũ; hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô năm 2023 với sự tham gia của 45/45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hơn 2.200 diễn viên và hàng nghìn cổ động viên.

Cùng với đó, hòa trong không khí sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2023, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tưng bừng tổ chức gần 5.100 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi và thu hút gần 432 nghìn CN, NLĐ tham gia. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo không khí vui tươi phấn khởi, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong CN, NLĐ...

Đáng chú ý, thực hiện Quyết định 3435/QĐ-UBND ngày 22/9/2022 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông CN, NLĐ cư trú tập trung giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, LĐLĐ TP đã xây dựng được 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, nâng số điểm sinh hoạt văn hóa công nhân toàn TP lên 61 điểm. Các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được thành lập trên cơ sở đáp ứng đúng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, xây dựng căn cứ trên nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao của đoàn viên, người lao động.

Tiết mục tham gia vòng Chung khảo Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô năm 2023
Tiết mục tham gia vòng Chung khảo Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô năm 2023

Qua quá trình triển khai thực hiện, các mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã khẳng định tính thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người lao động, được doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ; xây dựng được mối quan hệ trách nhiệm giữa doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên cơ sở trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho CN, NLĐ; thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa tinh thần của người lao động trên địa bàn TP.

Sát cơ sở để lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo đoàn viên, CN, NLĐ, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tùy vào điều kiện về con người, kinh phí và cơ sở vật chất, cũng như nhu cầu của đoàn viên, người lao động mà các cấp Công đoàn ngành tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp về nội dung, hình thức, thời gian, trình độ, sở trường của người tham gia và khả năng có thể đáp ứng của đơn vị.

Do có đặc thù trên 70% đoàn viên là CN, NLĐ trực tiếp, nên các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, gắn với các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút đông đảo đoàn viên tham gia. Hàng năm, đã có hơn 70 lượt đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với hình thức và quy mô khác nhau, thu hút trên 10 nghìn lượt người tham gia.

Các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã dần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đi vào thực tế nhu cầu của đoàn viên và người lao động; đời sống tinh thần, môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được xây dựng phát triển, tác động tích cực đến ý thức, thái độ của đoàn viên, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ, ứng xử trong cuộc sống.

Tiết mục tham gia vòng Chung khảo Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô năm 2023
Tiết mục tham gia vòng Chung khảo Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô năm 2023

"Những thành quả đó là kết quả của sự tìm tòi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ đoàn viên và người lao động của các cấp công đoàn, trong đó vai trò không nhỏ từ ngay Công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp, gắn bó với đoàn viên, người lao động hàng ngày tại đơn vị" - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.

Cùng với Công đoàn ngành Xây dựng, nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức các hoạt động đặc sắc như: LĐLĐ quận Long Biên tổ chức cuộc thi Thiết kế biểu trưng Đại hội; LĐLĐ quận Long Biên tổ chức Hội thi Dân vũ, cuộc thi giọng hát hay; LĐLĐ quận Hoàng Mai tổ chức cuộc thi Góc làm việc Xanh - Sạch - Đẹp; LĐLĐ quận Tây Hồ tổ chức cuộc thi Văn hóa công sở...

Thời gian tới, các cấp Công đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Cụm văn hóa thể thao, Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân. Xây dựng và thành lập mới 6 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm thu hút CN, NLĐ, đa dạng hóa sân chơi tạo điều kiện cho đông đảo CNVCLĐ tham gia, góp phần đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội trong đội ngũ CNVCLĐ. Tiếp tục đầu tư trang bị bổ sung đầu sách, tủ sách pháp luật tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và các tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân.