Hà Nội sẵn sàng chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện hãy còn quá sớm để đưa ra nhận định, đánh giá toàn diện về hiệu quả, các mặt được, chưa được của công tác chống dịch của Hà Nội. Trong đề tài NCKH cấp bộ “Vai trò của các Ban chỉ đạo quốc gia trong giải quyết các tình huống khẩn cấp - Bài học rút ra từ công tác phòng dịch dịch Covid-19 ở Việt Nam” của Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhóm tác giả cũng phải mất vài tháng mới có thể phân tích, đánh giá chính xác một vấn đề lớn, kéo dài và có phạm vi ảnh hưởng rộng đến cộng đồng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Duy Linh
Cách làm hiệu quả của Hà Nội
Trong hàng trăm ý kiến đánh giá về công tác phòng chống dịch của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nổi lên ý kiến đáng giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) được cộng đồng quan tâm. Ông đang là cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Theo ông Trần Đắc Phu, điều Hà Nội không để dịch bùng lên là rất thành công. Với góc nhìn của người nhiều năm lãnh đạo y tế dự phòng ông cho rằng: "Ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về 0 nhưng TP đã hạn chế để cắt đứt được nguồn lây. Bên cạnh đó, Hà Nội đã khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định, trong vòng một tuần qua đã lấy 300 nghìn mẫu xét nghiệm để sàng lọc, qua đó phát hiện một số ca F0. Đặc biệt, qua xét nghiệm rộng, sớm các trường hợp sốt, TP đã phát hiện nhiều vùng nguy cơ ở các địa phương. Đây là cách làm hiệu quả của Hà Nội và cho thấy năng lực tốt của y tế cơ sở".

Để đánh giá chính xác về thành quả chỉ đạo, điều hành của Hà Nội phải bắt đầu từ mục tiêu của TP trong suốt mấy tháng qua. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị và Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, đó là trên hết và trước hết phải giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thủ đô Hà Nội với gần 10 triệu dân sinh sống, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao, nhất là đối với chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Những biểu hiện lâm sàng do biến chủng Delta Ấn Độ gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh. Nên việc giữ vững an toàn cho Thủ đô, nơi các cơ quan T.Ư tập trung là nhiệm vụ tiên quyết để công cuộc chống dịch của Việt Nam thành công. Nên Hà Nội áp dụng những quyết sách, chính sách đặc biệt mang tính đặc thù mà nhiều tỉnh, thành khác chưa triển khai, hoặc không triển khai. Đó là góc nhìn mà những người như PGS.TS Trần Đắc Phu mới thấu hiểu và có sự chia sẻ chính xác.

Những con số biết nói

Với một TP gần 10 triệu dân, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này (từ 27/4 tính đến ngày 18/9), Hà Nội ghi nhận 4.165 ca mắc, trong đó: Ghi nhận 1.596 ca phát hiện ngoài cộng đồng tại 29 quận, huyện; 1.591 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 715 ca tại khu phong toả; 49 trường hợp nhập cảnh, 1 ca tại khu ổ dịch cũ; 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện T.Ư đã được khoanh vùng cách ly. Tổng số người tử vong do Covid-19: 29 người, chiếm tỷ lệ 0,69% trong ca mắc.Nếu so sánh với tình hình dịch Covid-19 -19 tại một số tỉnh, TP trong nước, khu vực và trên thế giới, con số trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Hà Nội trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, nhất là đối với chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Vậy Hà Nội đã và đang triển khai những biện pháp nào để có được kết quả đó?

Các biện pháp chống dịch của Hà Nội vừa quyết liệt, vừa học hỏi, vừa sáng tạo lại có chọn lọc. Nếu như giai đoạn đầu, TP không giãn cách, phong tỏa tràn lan, mà áp dụng phương châm “khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp những nơi có ca mắc”. TP chỉ đạo “lửa to khoanh to, lửa nhỏ khoanh nhỏ”, chúng ta chứng kiến có nhiều chung cư đông dân, khi phát hiện F0 đã quyết liệt cách ly toàn khu vực, nhưng chỉ thời gian ngắn chỉ còn cách ly một tầng (nơi phát hiện F0). Hà Nội chủ trưởng quán triệt thần tốc trong truy vết, xét nghiệm, cách ly... để vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy sản xuất.
Chốt kiểm soát dịch tại làng Lại Đà, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
Nhưng khi biến chủng Delta xuất hiện tại Việt Nam. Nhận thấy, sự nguy hiểm của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn (từ 2 -3 ngày) so với các chủng cũ. Với biến chủng Delta R0 =7 (một trường hợp F0 lây cho 7 người), chu kỳ là 2 ngày thì chỉ cần 10 ngày từ 1F0 Hà Nội sẽ bị lây lan ra 16.807 ca. Như thế kịch bản số 1 phải thay đổi bởi tại các ngõ phố Hà Nội đã và đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không áp dụng biện pháp chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay từ ngày 24/7, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải được nhìn nhận là một quyết định nhanh, chính xác.

Về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà cho đến khi cơ cơ sở tập trung vẫn còn đủ công suất. Tất cả các F0 của Hà Nội đều được chữa trị tại bệnh viện. Tất cả F1 của Hà Nội đều được cách ly tập trung. Quan điểm này có thể khác với một số tỉnh, thành khác, dựa vào đặc thù, thói quen sinh hoạt của người Hà Nội và khả năng cơ sở vật chất của Thủ đô.

Kiên định mục tiêu

Đặc biệt, Hà Nội đã thuân thủ các khuyến cáo của WHO, đặt mục tiêu cao nhất của chống dịch là giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong. Thực tế cho đến nay ở Hà Nội tính đến ngày 18/9, Hà Nội ghi nhận 29 trường hợp tử vong, chiếm 0,6% trên tổng số ca nhiễm (tỷ lệ này trên cả nước và thế giới khoảng 2,4%).

Sự sáng tạo của Hà Nội trong chống dịch không chỉ người dân mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận. Mới đây, nhà báo tự do Mark Barnes, người Australia đang cư trú tại ngõ Cự Lộc, đường Nguyễn Trãi (quận Thành Xuân) cho rằng: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ được việc được gọi đi tiêm chủng vaccine, được bà con dân phố cấp gạo, trứng, rau, quả để mưu sinh trong những ngày thất nghiệp”. Mặc dù thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng Hà Nội lại không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, chỉ đóng cửa các chợ cóc và điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng, chống dịch. Nên dù giãn cách 2 tháng nhưng nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong những ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. Có một chút khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản nhưng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.

Chắc chắn đây chưa phải lúc ngồi lại để đánh giá một cách tổng thể mặt được và chưa được của công cuộc chống dịch mà chính quyền và người dân Hà Nội đã làm được. Phía trước chúng ta đang còn ngổn ngang công việc để có thể bảo đảm điều kiện sống chung với dịch. Nhưng chắc chắn, để bảo đảm được sức khỏe, tính mạng của người dân chúng ta cũng phải trả một cái giá không hề rẻ. Gần đây, có một số người tính toán và cho rằng chi phí xét nghiệm khoảng 30 tỷ đồng/F0 là đắt. Nhưng nếu không tiến hành ngay và luôn hai mũi giáp công xét nghiệm, tiêm chủng thì liệu Hà Nội có giữ được tỷ lệ tử vong trên tổng số F0 chỉ là 0,69%?

Cổ nhân có câu “Còn người, còn của”, sức khỏe và tính mạng của người dân là cái chúng ta không thể cân, đong, đo đếm. Thực tế thì đó đây trong công cuộc chống dịch vẫn có những cá nhân còn lơi là, có những sự việc giải quyết vẫn chưa thật hoàn hảo, cần phải điều chỉnh, nhưng Hà Nội có quyền tự hào những gì mình đã làm được.

Trong hai chiến dịch lớn của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần hàng nghìn nhân viên y tế của 12 tỉnh, TP về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”, nhân viên y tế các tỉnh đã tạo thành một hệ thống dây chuyền lấy mẫu, tiêm chủng cùng với cán bộ y tế của Hà Nội thực hiện hoàn thành lấy mẫu cộng đồng và tiêm vaccine mũi 1 cho người dân TP trong thời gian thần tốc vừa qua với tinh thần hăng hái, quyết tâm nhất cùng Thủ đô khống chế dịch bệnh.

Đến nay, toàn TP Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, 5.671.487 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 94,2%; tỷ lệ tiêm so với tổng dân số đạt 67,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8/9 - 15/9/2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong 2 ngày 16/9 và 17/9 các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đạt 57.788 mẫu.

Hà Nội đã chủ động kịch bản

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Tâm thuộc Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm đề tài “Vai trò các ban chỉ đạo quốc gia xử lý tình huống cấp khẩn cấp”, đại dịch Covid-19 là một dạng tình huống khẩn cấp. Việc nhóm các GS.TS tham gia nghiên cứu đề tài đã quyết định lựa chọn Hà Nội vì tính chất quan trọng, phức tạp cũng như tầm ảnh hưởng của Thủ đô.

 

Vì sao bà lại chọn Hà Nội làm đối tượng nghiên cứu của đề tài “Vai trò các ban chỉ đạo quốc gia xử lý tình huống cấp khẩn cấp”?

- Tình huống khẩn cấp được định nghĩa là những sự kiện bất ngờ có khả năng và nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, bất ổn về kinh tế, chính trị, môi trường cho cộng đồng xã hội và có khả năng gây ra những thiệt hại to lớn cho nhà nước và xã hội hoặc địa bàn lãnh thổ như dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... Tùy theo từng quốc gia sẽ có kịch bản giải quyết khác nhau, như Nga thì còn thành lập hẳn Bộ Tình trạng Khẩn cấp, chúng ta có Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương.

Theo bà và nhóm nghiên cứu đề tài cấp Bộ này, điều gì đã khiến Hà Nội cơ bản thu được những kết quả nhất định công cuộc chống dịch?

- Điều dễ nhận thấy nhất là tình hình dịch thế giới và trong nước diễn biến khó lường Hà Nội luôn giữ thế chủ động, vài lần có thể lạc nhịp tý thì được điều chỉnh ngay. Quan sát, nghiên cứu chúng ta sẽ thấy mọi kịch bản, phương án phòng chống dịch đều được lãnh đạo TP tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó.

Đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện nào mang tính bất ngờ khi tìm hiểu về công tác chống dịch của Hà Nội?

- Thực tình thì Hà Nội nói riêng và Việt Nam nó chung có chậm một nhịp so với thế giới về tiêm chủng vaccine. CDC Hoa Kỳ đã công bố khảo sát cho thấy, người chưa tiêm vaccine có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn 4,5 lần, nguy cơ nhập viện cao hơn 10 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần so với người đã tiêm đủ liều. Hay nói cách khác, vaccine Covid-19 giảm nguy cơ tử vong 11 lần.

Điều chúng tôi bất ngờ khi Hà Nội quyết định lấy mốc 15/9 để hoàn thành xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine. Lại càng bất ngờ hơn khi Hà Nội không hề tự ái, đã báo cáo Chính phủ và nhờ các địa phương hỗ trợ, với hàng nghìn nhân viên y tế các tỉnh bạn có mặt Hà Nội đã làm đúng tiến độ. Ngay cả cái việc Hà Nội chia thành 3 vùng, phân công cụ thể các tỉnh triển khai nghiệp vụ đều cho thấy có một sự tính toán, cân nhắc để có ngày Hà Nội đã tiêm được trên 500 nghìn liều vaccine, gấp 3 bình thường.

Xin cảm ơn bà!

Phan Hảo thực hiện

Ưu tiên xây dựng kịch bản khôi phục kinh tế

Ngay từ bây giờ, Hà Nội cần phải khẩn trương xây dựng kịch bản khôi phục kinh tế Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Châu - nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương khẳng định như thế trong cuộc trao đổi trực tuyến với chúng tôi.
 

Điều gì khiến ông quan tâm đến các vấn đề y tế, trong khi lĩnh vực chuyên sâu của ông lại là kinh tế?

- Liên quan, thậm chí là rất liên quan nhất là trong cuộc chơi kinh tế toàn cầu. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm đến 45% GDP không thể đóng cửa mãi được. Cột mốc 21/9 một ngày sau khi tờ báo này xuất bản cũng là thời điểm mà Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chúng phải dứt khoát thay đổi chủ trưởng hướng tới xoá bỏ Covid (Zero Covid) chuyển sang một trạng thái mới, đó là "chung sống an toàn với Covid". Sau những kết quả bước đầu của công tác chống dịch đã đến lúc Hà Nội phải nhanh chóng bắt tay phục hồi kinh tế?

Theo ông, Hà Nội nên ưu tiên làm việc gì trước?

- Thực ra, điều kiện mở cửa lại không thuộc trách nhiệm của Hà Nội. Theo bộ tiêu chí đánh giá văn bản số 3989 của Bộ Y tế về điều kiện chấm dứt giãn cách quy định: "Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch. Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính của số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Địa bàn không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày". Khá bất ngờ Vaccine không được tính đến trong bộ tiêu chí số 3989 về kiểm soát dịch. Cả 3 tiêu chí thì Hà Nội chưa thể mở cửa mà thực ra chưa có TP nào trên thế giới đạt được điều này ngay cả các quốc gia như Israel, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ.

Rõ ràng sau một thời gian dài “ngủ đông” kinh tế cá nhân, DN và của quốc gia có vấn đề. Hà Nội cần ưu tiên tập trung khôi phục kinh tế ngay và luôn bằng các cuộc gặp gỡ, trao đổi với các DN, các nhà nghiên cứu chính sách, nghiên cứu kinh tế để có một kịch bản khôi phục kinh tế Thủ đô khả thi.

Xin cám ơn ông!

Đông Hùng thực hiện