Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ có tuyến đường thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Trì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 1572/...

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Quyết định số 1572/QĐ-UBND về phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 6 đến điểm giao với cầu Ngọc Hồi (đoạn giao với đê sông Hồng), tỷ lệ 1/500 tại quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 12km, thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, TP Hà Nội; điểm đầu giao với Quốc lộ 6 (đường Quang Trung, quận Hà Đông), điểm cuối giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn kết nối lên cầu Ngọc Hồi dự kiến (giao với đê sông Hồng).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đây là đường cấp đô thị, có quy mô cắt ngang như sau: Đoạn tuyến đường vành đai 3,5 từ Quốc lộ 6 đến điểm giao với cầu Ngọc Hồi có quy mô mặt cắt ngang rộng 42m÷80m, cụ thể:

Đoạn đầu tuyến từ QL6 đến hết khu đô thị mới Văn Phú, dài khoảng 1,2km đã được xây dựng theo quy hoạch và dự án đầu tư khu đô thị mới Văn Phú đã được phê duyệt trước đây: chiều rộng mặt cắt ngang điển hình 42m, gồm 6 làn xe rộng 2x10,5m, dải phân cách giữa rộng 5m, hè mỗi bên rộng ≥ 7m (riêng đoạn từ điểm 3 đến điểm 4 có mở rộng cục bộ mặt cắt ngang 66m). Trên đoạn tuyến này dự kiến bố trí thành phần đường tren cao 4÷6 làn xe rộng khoảng 18m;

Đoạn tuyến tiếp theo đến ngã ba giao với tuyến đường gom quy hoạch dọc tuyến đường sắt quốc gia hiện có (dài khoảng 0,9m): chiều rộng mặt cắt ngang điển hình 60m, gồm 6 làn xe chính rộng 2x12,5m = 25m, dải phân cách giữa rộng 2m, đường hỗn hợp hai bên 4 làn xe rộng 2x7m=14m, dải phân cách đường gom với đường chính rộng 1,5m và hè mỗi bên rộng 8m. Trên đoạn tuyến này, có dự kiến bố trí thành phần đường kết nối giữa đường trên cao và đường dưới mặt đất.

Đoạn tuyến còn lại tiếp theo đến cuối tuyến (đoạn đường dẫn lên cầu Ngọc Hồi) dài khoảng 9,9km: chiều rộng mặt cắt ngang điển hình 80m. Bao gồm 6 làn xe chính rộng 2x12,5m=25m, dải phân cách giữa rộng 2m (đi trên cầu cạn tại các đoạn vượt nút giao, đường sắt), đường gom hai bên 6 làn xe hỗn hợp rộng 2x10,5m=21m, dải đất đường gom với đường chính rộng 8m và hè mỗi bên rộng 8m.

Dọc tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 6 đến đường dẫn lên cầu Ngọc Hồi dự kiến có 04 nút giao thông khác mức trực thông, gồm: nút giao với đường trục phía Nam, nút giao với đường Ngọc Hồi (QL1A), nút giao đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao khu vực đường đê sông Hồng và đường dẫn lên cầu Ngọc Hồi. Giải pháp kết nối, tổ chức giao thông và chỉ giới đường đỏ tại các khu vực nút giao khác mức sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Các cầu vượt trực thông dự kiến được xây dựng tại các vị trí tuyến đường Vành đai 3,5 cắt qua tuyến đường sắt quốc gia hiện có và các tuyến đường sắt dự kiến xây dựng theo quy hoạch.

Về đường sắt đô thị: Dọc đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 6 đến khu vực đô thị mới Kiến Hưng có tuyến đường sắt đô thị số 7 đi ngầm. Dọc tuyến xây dựng 02 ga tại Khu vực đô thị mới Văn Phú và đô thị mới Kiến Hưng, khi nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tại các khu vực bố trí ga đường sắt cho phép được mở rộng cục bộ chỉ giới đường đỏ theo yêu cầu của Dự án để xây dựng các lối lên xuống và các công trình phụ trợ, cụ thể sẽ được xác định trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị.

Dọc theo phía Nam tuyến đường Vành đai 3,5, ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ đường 3,5 có tuyến đường sắt Quốc gia hiện có, theo quy hoạch được chuyển thành tuyến đường sắt đô thị số 6 đi nổi.