Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ xây cầu vượt tạm để giảm ùn tắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/10, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Hà Nội đã cùng họp bàn giải pháp xây dựng hai cầu vượt tạm tại ngã tư Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà.

Trước đó, Chính phủ đã chấp thuận xây cầu vượt cho ôtô và xe máy để giảm ùn tắc tại các nút giao thông tại Hà Nội với yêu cầu cầu vượt thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến giao thông hiện hành, dễ tháo lắp để trả lại mặt bằng.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tính toán nếu đặt cầu vượt tại 2 ngã tư này, một năm giảm thiểu về thời gian, nhiên liệu của xe cơ giới tại mỗi nút bình quân là 200 tỷ đồng.

Theo tư vấn của nhóm tác giả tại ĐH Giao thông Vận tải, cầu vượt sẽ có kết cấu nhẹ bằng dầm thép, móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc móng cọc vít thi công ép xoắn, trụ thép hoặc trụ đổ bê tông bên trong, dầm chữ I hoặc dầm hộp liên hợp. Thời gian thi công chỉ trong 4 tháng.
Theo nhóm nghiên cứu, tại nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ sẽ ưu tiên làm cầu theo đường Láng Hạ, còn tại nút Chùa Bộc - Sơn Tây, cầu sẽ chạy theo hướng đường Sơn Tây. Mỗi cầu sẽ thiết kế đủ rộng cho 4 làn xe con (12 m), chi phí khoảng 150 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vận tải, góp ý nên tính toán cầu vượt cho 2 làn xe và cho xe dưới 3 tấn. Nếu để mặt cầu rộng 12 m rồi phải xén hè là không hợp lý. Ông Thành để nghị giảm chiều rộng của cầu để lại đường cho người đi bộ.

Theo ông Mai Văn Hồng, Vụ phó Kết cấu hạ tầng, nếu tăng độ dốc lên thì xe sẽ nổ to gây ảnh hưởng môi trường. Ông Hồng cho rằng cần giảm độ dốc, chỉ khoảng 6-7% như cầu Thăng Long. "Ngoài ra, cầu cho xe tải nhẹ đi thì chỉ rộng 9-10 m chứ không nên là 12 m. Xây cầu để hạn chế ùn tắc chứ không giải quyết triệt để", ông Hồng nói.

Ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Giám định và quản lý chất lượng công trình xây dựng, cho rằng đối với cầu đô thị phải đảm bảo mỹ quan. Đối với ngã tư, hướng đi trực thông chiếm tỷ lệ nhất định, còn xe sẽ chuyển về các hướng khác nhau. Như hầm chui Kim Liên, số xe trực thông chiếm 1/4 lưu lượng xe, từ đó có thể xác định khổ cầu.

Chốt lại cuộc họp bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các nhà tư vấn nên nghiên cứu cầu vượt rộng 9 m, khoảng tĩnh không dưới 4,5 m, độ dốc tối đa là 6%, kiến trúc đảm bảo cảnh quan chứ không để đem một khối thép đặt giữa thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng lưu ý, trên địa bàn có khoảng 1.400 xe buýt, 200 xe du lịch, 4 triệu xe máy và 800.000 ôtô. Do vậy, khi làm cầu vượt phải có phương án tổ chức giao thông, để tránh tình trạng thông điểm này nhưng tắc nơi khác.

Theo Thứ trưởng, nếu tuyến Giảng Võ không được xử lý thì nguy cơ ách tắc vành đai 1 là dễ thấy. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Sở Giao thông Hà Nội nghiên cứu bổ sung tiếp nút Giảng Võ - Đê La Thành và ngã năm Ô Chợ Dừa.