Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tái khởi động chiến dịch dẹp hàng rong, lấn chiếm vỉa hè

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trên đường Hoàng Quốc Việt, khi chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị" tái khởi động, công tác dẹp hàng rong, lập lại trật tự được tiến hành hàng ngày, nhưng người vi phạm vẫn tìm mọi cách bám trụ trên vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

KTĐT - Trên đường Hoàng Quốc Việt, khi chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị" tái khởi động, công tác dẹp hàng rong, lập lại trật tự được tiến hành hàng ngày, nhưng người vi phạm vẫn tìm mọi cách bám trụ trên vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai việc cắm biển cấm bán hàng rong tại 62 tuyến phố "văn minh đô thị" từ tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, do không triển khai quyết liệt, thường xuyên, nên việc "cấm" như "đánh trống bỏ dùi" và đến nay lại diễn ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến thành phố phải ra quyết định tái khởi động chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị".

Hàng rong ngang nhiên, nhan nhản trên phố cấm!

Theo Ban chỉ đạo 197 của thành phố Hà Nội, chiến dịch tái khởi động dẹp hàng rong, lấn chiếm vỉa hè bắt đầu triển khai từ ngày 20/10.

Trên đường Hoàng Quốc Việt, khi chiến dịch lập lại tuyến phố "văn minh đô thị" tái khởi động, công tác dẹp hàng rong, lập lại trật tự được tiến hành hàng ngày, nhưng người vi phạm vẫn tìm mọi cách bám trụ trên vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Chị Thanh Nga, chủ cửa hàng nhôm kính trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết: “Hàng ngày, các đội trật tự phường đi tuần tra tới 4-5 lần, cứ thấy bóng dáng của đội trật tự, những người bán hàng rong lại chạy tán loạn, lực lượng trật tự đi khỏi, họ lại ùa ra, ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường bán hàng tiếp”.

Tại cổng Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tình trạng hàng rong  diễn ra công khai, khiến khách tham quan có lúc bị tới hàng chục cánh tay chèo kéo mua áo lưu niệm, băng đĩa nhạc và đủ loại đồ ăn uống ngay trước cổng.

Trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Láng, Hoàng Hoa Thám hoạt động bán hàng rong thường diễn ra từ chiều tối đến đêm khuya, vào thời điểm này xuất hiện nhan nhản những người bán quần áo, giày dép, sách cũ, hoa tươi, trái cây chiếm dụng hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ, thậm chí tràn cả xuống lòng đường để tiếp thị.

Còn trong khu phố cổ Hà Nội, bất chấp những chốt trực, những tấm biển cấm dày đặc, tình trạng bán hàng rong và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh vẫn nhộn nhịp.

Trưởng Ban quản lý Văn Miếu-Quốc Tử Giám Đặng Kim Ngọc cho biết, lý do chính để tình trạng bán hàng rong tồn tại hiện nay là do lực lượng chức năng không kiểm tra thường xuyên và xử lý dứt điểm. Mặt khác, do những người bán hàng rong không cố định bán hàng tại một địa điểm, mà hoạt động tự do, nên cứ khi lực lượng chuyên ngành không có mặt, hoạt động hàng rong lại tiếp diễn.

Nhiều hộ kinh doanh có mặt tiền trên những tuyến phố cấm bán hàng rong rất bức xúc: việc triển khai lệnh cấm bán hàng rong cũng như kiểm tra, xử lý không được thực hiện triệt để, dẫn đến việc hàng rong hoạt động trở lại là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, ngay cả chính những chủ cửa hàng kinh doanh có mặt tiền, thậm chí các các doanh nghiệp cũng bung ra lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, mà ít hoặc chưa bị xử lý triệt để. Không khó để có thể bắt gặp những hình ảnh này trên nhiều tuyến phố cấm như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Tràng Tiền…

Phải có lực lượng chuyên trách

Theo Trung tá Nguyễn Viết Thanh-Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự-phản ứng nhanh của Công an huyện Từ Liêm,  bất cập hiện nay trong việc xử phạt các vi phạm về trật tự công cộng và trật tự đô thị là không có chế tài tịch thu tang vật vi phạm, mức xử phạt quá thấp, trường hợp đặc biệt cũng chỉ phạt đến 50.000 đồng, nên không đủ răn đe người vi phạm.

Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự thuộc Công an thành phố Hà Nội Hoàng Thanh Bình thừa nhận: tình hình vi phạm tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của thành phố đang bùng phát là do các lực lượng chức năng ở cơ sở chưa thường xuyên kiểm tra và lực lượng làm công việc này vốn đã mỏng lại không có đủ thẩm quyền để xử lý dứt điểm.

Trên thực tế, các lực lượng có trách nhiệm phải trực tiếp phối hợp với lực lượng công an trật tự sở tại mới tiến hành xử phạt hành chính, còn lực lượng trật tự của các phường chủ yếu là tự quản và không được xử phạt.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 23/CP/2009 của Chính phủ ra ngày 27/2/2009 quy định lực lượng thanh tra xây dựng có quyền xử phạt vi phạm về sử dụng hè đường trái phép, nhưng đến nay lực lượng thanh tra xây dựng vẫn chưa vào cuộc.

Theo Ban Chỉ đạo 197, nhiều kiến nghị từ các quận, huyện, sở, ngành trong việc lập lại trật tự các tuyến phố "văn minh đô thị" hiện nay cần phải có lực lượng chuyên trách, để tránh việc thực hiện theo kiểu "đánh trống bỏ dùi".

Mặc dù, việc tái khởi động dẹp hàng rong lấn chiếm vỉa hè những ngày đầu đã góp phần hạn chế hàng rong tại một số tuyến phố, nhưng đó là nhờ sự quyết tâm đồng bộ của nhiều lực lượng chuyên trách từ cảnh sát cơ động, công an phường, thanh tra giao thông, trật tự viên...

Song, với gần 80/128 phường có tuyến phố cấm, về lâu dài không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cảnh sát cơ động hay thanh tra giao thông, vì các lực lượng này đều có nhiệm vụ, chức năng riêng.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương cấm hàng rong trên một số tuyến phố, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải rà soát thực trạng hoạt động các tuyến phố văn minh đô thị; đồng thời đề xuất giải pháp chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh./.