Kính thưa, Ông Toma Masaki, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; cùng các Quý vị đại biểu đại diện cho các Tổ chức, Hiệp hội và Doanh nghiệp của Nhật bản tham dự hội nghị,
Thưa Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cùng các Quý vị đại biểu đại diện cho các Bộ ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Thành phố tham dự Hội nghị. Thưa toàn thể các Quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các quý vị đại biểu, những nhà đầu tư Nhật Bản đã dành thời gian đến tham dự Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản” ngày hôm nay - Đây là một trong các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp, giới thiệu cho các nhà đầu tư những thông tin cơ hội đầu tư mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Sự hiện diện của Ngài Toma Masaki, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các nhà đầu tư đầu tư Nhật Bản, các quý vị đại biểu tại Hội nghị này thể hiện sự quan tâm rất lớn đến môi trường đầu tư của Thành phố Hà Nội.
Xin chào mừng và cảm ơn các quý vị! Thưa các quý vị và các bạn,
Với vai trò là Thủ đô của Việt Nam, trung tâm đầu não về chính trị - hành chính Quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên hơn 3.300 km2; dân số hơn 7,2 triệu người và khoảng 2 triệu người từ các địa phương đến làm ăn, sinh sống thường xuyên. Cùng với các điều kiện tự nhiên phong phú, các nguồn lực cho phát triển dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn, Hà Nội luôn là địa bàn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư với trên 2.700 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 22 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là Quốc gia dẫn đầu về số dự án cũng như vốn đầu tư vào Hà Nội.
Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 520 dự án đầu tư vào Hà Nội với số vốn trên 4,6 tỷ USD, chiếm 22% tổng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội. Trong khu vực đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp của Nhật Bản chiếm tỷ trọng 74% doanh thu, 61,3% thuế nộp ngân sách; thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 13 vạn lao động chiếm 75% số lao động trong khối đầu tư FDI. Qua quá trình hoạt động cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản triển khai các dự án và sản xuất kinh doanh nghiêm túc, thực hiện đúng cam kết, hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam.
Bên cạnh các dự án đầu tư nước ngoài, Nhật Bản cũng là nước có tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Hà Nội với 23 dự án, vốn đầu tư 2,9 tỷ USD chiếm 58% tổng vốn ODA của Thành phố. Những nguồn viện trợ phát triển của Nhật Bản phù hợp với những ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội và góp phần từng bước cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô Hà Nội.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hà Nội và Nhật Bản năm 2013 đạt 3,75 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu Hà Nội sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 1,3 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ thị trường Nhật Bản đạt khoảng 2,45 tỷ USD.
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng các tổ chức, hiệp hội, các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Nhật Bản luôn là những đối tác quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong những năm qua.
Nhân dịp này, thay mặt chính quyền Thành phố, tôi đánh giá cao và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức, hiệp hội, các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Nhật Bản về những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Thưa các Quý vị,
Bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, thời gian qua công tác thu hút ĐTNN nói chung và của Nhật Bản nói riêng trên địa bàn Thành phố vẫn chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ… đầu tư từ các nhà đầu tư Nhật Bản chưa xứng với tiềm năng và khả năng của mỗi bên. Đây là những vấn đề tới đây về phần mình, Thành phố sẽ xem xét và điều chỉnh cơ chế chính sách thích hợp nhằm khắc phục những vấn đề nêu trên, tạo sự hấp dẫn hơn nữa để thu hút và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị với các quý vị cùng chia sẻ những khó khăn trước mắt hiện nay và tích cực tham gia đóng góp vào những cơ chế chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy hơn nữa sự đầu tư của mình vào địa bàn Thành phố. Thưa quý vị,
Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như phong tục, tập quán và những nét văn hóa truyền thống. Mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước được khẳng định qua việc hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới, thành “Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á” trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang những ngày gần đây.
Việc nâng cấp quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới trong hợp tác cùng phát triển giữa các địa phương, các doanh nghiệp của hai nước trong giai đoạn tới.
Thành phố Hà Nội xác định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới là cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản.
Thành phố đã ban hành và đang chỉ đạo thực hiện Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo”. Theo đó, Thành phố ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại... các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước cũng là những dự án mà Hà Nội rất chú trọng. Thưa các quý vị và các bạn,
Trong thời gian tới, bên cạnh những khó khăn Thành phố Hà Nội có những thuận lợi cơ bản đó là: Luật Thủ đô và các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Luật đã có hiệu lực, tạo môi trường pháp lý cho Thành phố huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đã và đang quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ thân thiện hợp tác giữa Nhà đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước; tập trung hỗ trợ thông tin, xúc tiến đầu tư; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; thực hiện các hỗ trợ đầu tư khác như: lao động, hạ tầng ngoài hàng rào, điện, nước, CNTT…Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ngừng cải thiện (năm 2012 chỉ số cải cách chính đứng thứ 7 trong toàn quốc, năm 2013 chỉ số PCI tăng 18 bậc); một số chỉ số xếp hạng tốt của các năm trước vẫn được duy trì, nhất là chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp. Các nhóm dịch vụ về tìm kiếm thông tin kinh doanh, giới thiệu việc làm, tư vấn thông tin về pháp luật, xúc tiến thương mại và các dịch vụ liên quan đến công nghệ… được đánh giá cao và đã giúp cho các doanh nghiệp Hà Nội khởi sự kinh doanh tốt hơn. Trong năm 2014, thành phố sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách đầu tư, quy chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng.
Chính quyền Thành phố cam kết sẽ không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế; thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi.
Tôi tin tưởng rằng, với sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến đầu tư tại Hà Nội trong thời gian qua, Hà Nội sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác và đồng hành của các nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình phát triển.
Sau cùng, thay mặt lãnh đạo Thành phố xin chúc Hội nghị xúc tiến đầu tư và đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản thành công tốt đẹp.
Chúc các quý vị đại biểu, các đồng và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn! * Tiêu đề do Kinh tế & Đô thị online đặt