Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tạo lực đẩy cho doanh nghiệp chế tạo phát triển

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa DN Hà Nội tham gia Triển lãm quốc tế thương mại Mạng lưới các nhà công nghiệp chế tạo Hà Nội 2018 (FBC Hanoi 2018) là cơ hội để DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến thuộc thế hệ “công nghiệp 4.0”, giao thương, mở rộng hợp tác với DN nước ngoài, đặc biệt là DN Nhật Bản.

 Doanh nghiệp Hà Nội và Nhật Bản giao thương tại FBC Hanoi 2018
Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khi thông tin về tác dụng việc đưa DN Hà Nội tham dự Triển lãm này.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, mặc dù là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng ngành công nghiệp chế tạo Hà Nội vẫn tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên khi nói về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp này các DN tham gia triển lãm đều có chung ý kiến, sự phát triển ngành công nghiệp chế tạo hiện vẫn nặng về khai thác tài nguyên, gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế tạo máy PMTT Việt Nam nêu rõ: Khó khăn của DN Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo thì rất nhiều. Trong đó phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo của nhà nước cho các DN đặc biệt là DN TNHH. Mặt khác, DN Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất. Đối với ngành công nghiệp chế tạo, nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn là điều quyết định nhưng ở Việt Nam vấn đề này lại đang bị bỏ ngỏ.
 Doanh nghiệp Hà Nội và Nhật Bản giao thương tại FBC Hanoi 2018
Nhằm hỗ trợ DN ngành công nghiệp chế tạo Hà Nội phát triển, trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công; ưu tiên tập trung phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh, công nghệ cao. Đồng thời tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

UBND TP sẽ tập trung hỗ trợ DN theo hướng kết nối DN Việt Nam với DN nước ngoài; thu hút, kêu gọi DN quốc tế đầu tư vào công nghiệp chế tạo, qua đó hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN công nghiệp chế tạo. UBND TP cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nêu rõ: Ngành Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Cụ thể, Sở Công Thương sẽ xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội tới năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 có xét đến 2025.​