Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủy Tiên - Thủy Trúc - C. Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/1, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội năm 2019.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Về phía điểm cầu Hà Nội có: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước giảm còn 5,35%

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch góp phần hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn….

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khai mạc Hội nghị

Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.

Trong năm 2018, công tác tuyển sinh ước đạt khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch. Đồng thời, ngành LĐTB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung cầu trên thị trường lao động. Theo đó, ước cả năm 2018 tạo việc làm cho khoảng 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch. Cũng trong năm nay, đã có 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.

Ngành LĐTB&XH cũng triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay cả nước đã có 14,724 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cùng với việc tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Đồng thời thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó, góp phần đã có 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức số trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, người có công.

Với những kết quả đạt được, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%, giảm trên 5% so với cuối năm 2017.
Giải quyết việc làm đạt 125% kế hoạch
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trình bày tham luận về công tác giải quyết việc làm, quan hệ lao động, giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Đối với Thủ đô Hà Nội, chủ trương xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là chính sách hỗ trợ tìm, ổn định việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững.
Năm 2018, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 190.179 lao động, đạt 125% so với kế hoạch; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 2,41%.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm, TP tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động, cụ thể:
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm: Tổ chức 109 phiên giao dịch việc làmvới 6.075doanh nghiệp, đơn vị tham gia; 76.649 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; 51.500 lượt lao động được phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp; 23.600 lao động được tuyển dụng. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành việc khai trương và đưa vào hoạt động 8 điểm và 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện kết nối trực tiếp với sàn giao dịch việc làm TP.
Tăng cường thông tin về thị trường lao động: Tiếp tục ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, phát triển website "vieclamhanoi.net" thành Cổng thông tin điện tử về lao động việc làm TP, hỗ trợ lao động đăng tin tìm việc làm, hỗ trợ DN đăng tin tuyển dụng thông qua website ”vieclamhanoi.net”; tổ chức phát hành Bản tin dự báo thị trường lao động.
Nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao độngnhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động. Tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2018, xét duyệt cho 23.000 hộ vay với số tiển là 861 tỷ đồng, tạo việc làm cho 43.149 lao động.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồngcho 3.250 lao động. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, năm 2018 đã xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp 60.000 hồ sơ; ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 59.200 người với số tiền hỗ trợ 1.080 tỷ đồng…
Kịp thời nắm bắt quan hệ lao động ở các doanh nghiệp
Hà Nội hiện có trên 250 nghìn DN với hơn 2,5 triệu lao động. Để xây dựng và duy trì mối quan hệ lao động hài hòa trong DN, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Năm 2018, TP đã thường xuyên củng cố, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động từ cấp TP tới cấp huyện…
Tăng cường năng lực hoạt động hòa giải lao động, tổ chức 4 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ giải quyết tranh chấp lao động cho cán bộ làm công tác Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội và lực lượng hòa giải viên lao động cấp huyện.
Tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các quy định về đối thoại, thương lượng và xây dựng thoả ước lao động tập thể. Tổ chức 28 hội nghị đối thoại, tuyên truyền, giải đáp chế độ chính sách pháp luật về lao động cho trên 20.000 lao động.
Duy trì cơ chế phối hợp, chế độ thông tin để kịp thời nắm bắt quan hệ lao động ở các DN; tổ chức hội nghị đối thoại nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chế độ chính sách pháp luật lao động.
 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Hỗ trợ cải thiện, từng bước nâng cao đời sống của người lao động, trongđó lấy trọng tâm vào việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhà ở và các chương trình phúc lợi xã hội đối với người lao động, nhất là người lao động nhập cư, lao động làm việc trong các Khu công nghiệp và chế xuất.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại trên 300 DN, xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, toàn TP giảm được 11.656 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 xuống còn 1,16%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của TP giai đoạn 2016 – 2020.
Đáng chú ý, toàn TP đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 4.166/4.046 hộ nghèo (đạt 103% kế hoạch) với tổng kinh phí hỗ trợ 423,5 tỷ đồng.
Đến nay, Hà Nội có 4 quận nội thành không còn hộ nghèo là quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình và Thanh Xuân.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 người lao động, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%;giảm 3.548 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối 0,3% so với năm 2018.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Để đạt được điều này, TP tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triển khai thực hiện các giải pháphỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và giảm nghèo bền vững, trong đó:
Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động.
Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững.
Tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, quản lý, cho vay hiệu quả nguồn vốn ngân sách TP và cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển chọn người lao động trên địa bàn TP đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trình bày tham luận về công tác giải quyết việc làm, quan hệ lao động, giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường lao động trên địa bàn TP.
Tăng cường quản lý nhà nước về công tác lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động, tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tập trung thực hiện tốt các chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người không có khả năng lao động thoát nghèo bền vững.
Cần có chính sách hỗ trợ các DN hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Nhân hội nghị này, TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đối với các DN có hoạt động hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành các quy định đơn giản hóa các quy định của Tòa án về thụ lý đơn kiện liên quan đến tranh chấp lao động.
Phát triển sàn giao dịch việc làm - dạy nghề, ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm. Sớm ban hành Hướng dẫn sử dụng phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư vào phục vụ quản lý thông tin các đối tượng chính sách.