Chiều 19/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP giao ban với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo cuộc họp có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, theo thông tin mới nhất, Hà Nội ghi nhân 1 ca nghi nghiễm Sars-Cov-2 ở Phú Thọ có về chữa bệnh ở bệnh viện E, sau đó có về nhà người thân ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm. Trường hợp này đã có kết quả dương tính với Sars-CoV-2.
Quang cảnh phiên họp |
Thời gian chữa bệnh, ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nhờ nhà người thân tại Cổ Nhuế, thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Hiện nay, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đang tập trung các biện pháp khoanh vùng khử khuẩn nơi bệnh nhân ở, đồng thời truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Cũng tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh báo cáo cho biết, tại Hà Nội, lũy tích đợt 3 (từ ngày 25/7 đến nay), có 36 ca mắc chưa có tử vong. Trong đó 11 ca ngoài cộng đồng và 25 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Từ chiều ngày 8/8/2020, Thành phố đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm PCR cho người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15-29/7, gửi các đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm. Kết quả, đến nay đã lấy được 66.914 mẫu đã có kết quả 34.954 mẫu, ghi nhận 01 trường hợp dương tính (BN 979).
Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh đã xảy ra trong cộng đồng tại Hà Nội, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn. Hà Nội đã có nguồn lây từ ngoài xâm nhập vào và có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0).
Hà Nội cũng là nơi có nhiều bệnh viện lớn, thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên có nguy cơ cao dịch xâm nhập vào. Ngoài ra, thời gian qua đã xuất hiện ca bệnh không có triệu chứng, có lịch sử dịch tễ phức tạp, chỉ được phát hiện khi xét nghiệm PCR cho những người trở về từ Đà Nẵng; một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...
"Những yếu tố trên làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và có thể sẽ có thêm những ca mắc mới", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Thời gian tới, Thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng/nước sát khuẩn; hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết (đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính), nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang; không tập trung đông người tại nơi công cộng (không quá 30 người) ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn.
Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán cà phê/giải khát thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể: Nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ khách, đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng trước khi vào cơ sở; bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc đảm bảo đầy đủ nước sát khuẩn; thực hiện giãn cách chỗ ngồi giữa các khách hàng tối thiểu 01 mét, khuyến khích sử dụng tấm chắn ngăn cách giữa các chỗ ngồi; thường xuyên lau khử khuẩn bề mặt bàn, ghế, sàn nhà, tay nắm cửa ra/vào...
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà máy, xí nghiệp, công trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh trong cơ quan đơn vị.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; chỉ cho 1 người nhà vào chăm sóc bệnh nhân; thực hiện khai báo y tế, tổ chức phân luồng khám sàng lọc, thiết lập khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn...