Huyện Chương Mỹ bị ngập trong đợt mưa lớn từ ngày 9 - 12/10 |
Thống kê cho thấy, trong đợt mưa lũ vừa qua, các huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, còn có 15 địa phương khác cũng bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, mưa lũ đã khiến 2 người chết (1 người tại huyện Ba Vì và 1 người tại huyện Mỹ Đức, cùng bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn). 1.214 nhà dân bị hư hỏng. Mưa lũ cũng ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp với trên 8.000ha cây trồng (lúa, hoa màu, cây ăn quả lâu năm - hàng năm…). Số lượng gia súc bị chết, nước lũ cuốn trôi là 8.126 con, trong khi số gia cầm lên tới 308.399 con. 9.329ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Bên cạnh đó, một loạt hệ thống đê cấp III, IV, kênh mương, kè bị sạt lở và 318 cống, 4 đập, 2 cầu dân sinh, bị hư hỏng, chủ yếu tại Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức… Tổng thiệt hại về kinh tế theo tính toán lên tới trên 1.408 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, mặc dù các cấp chính quyền và người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, tuy nhiên, hậu quả do mưa lũ vẫn rất lớn. Nguyên nhân chính được cho là do mưa lớn trong thời gian ngắn khiến nước lũ lên nhanh trên hệ thống các sông, đặc biệt là các tuyến sông nội địa (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ). Thứ nữa là do đặc điểm một số xã khu vực phía Tây TP (chủ yếu là Chương Mỹ, Mỹ Đức) bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về nhanh trong thời gian ngắn dẫn đến ngập lụt nhanh.Từ thực tiễn trong công tác dự báo các hình thái thời tiết, công tác chỉ đạo ứng phó, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội Chu Phú Mỹ kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giúp đỡ TP thực hiện quy hoạch thoát lũ và đê điều hệ thống sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí phục vụ nâng cấp một số tuyến đê bối, đê sông Đáy, đê sông Bùi để giảm thiểu thiệt hại cho những khu vực đã được bỏ nhiệm vụ phân lũ, chậm lũ.