Thông tin, tuyên truyền hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trước diến biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và hậu quả tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra đối với các nước trên thế giới, ngay từ những ngày đầu tiên, bên cạnh việc khẩn trương, nghiêm túc quán triệt các văn bản của Trung ương tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong |
Thông tin, tuyên truyền góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức người dân
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau gần 05 tháng triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ nhiều biện pháp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tự giác, coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19. |
Đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19, qua đó vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Số ca nhiễm trên địa bàn Thành phố ngày càng giảm (tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố Hà Nội chỉ ghi nhận tổng số 114 ca mắc trong đó: 40 ca mắc được phát hiện tại Sân bay/khu cách ly tập trung; 74 ca được phát hiện tại cộng đồng phân bố tại 17 quận, huyện, 31 xã, phường (55 trường hợp); người ngoại tỉnh (17 trường hợp); bác sỹ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (02 trường hợp). Đã có 113 trường hợp khỏi bệnh, còn 01 trường hợp (BN 323) vẫn đang điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cách ly theo dõi tại cộng đồng (lũy tích: 72.565 người; hiện còn cách ly theo dõi: 11 người); cách ly tại khu tập trung (lũy tích: 9.985 người; hiện còn cách ly 985 người). Từ ngày 15/4-15/6/2020 (tròn 02 tháng) Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng).
Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Công tác vận động ủng hộ, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, kiều bào ở nước ngoài đã tạo được hiệu hứng lan tỏa mạnh mẽ, phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội chung sức, đồng lòng, chia sẻ, giúp đỡ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh và ổn định cuộc sống.
Nhiều cây ATM gạo, siêu thị không đồng đã cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn được mở ra tại nhiều nơi trên địa bàn Thành phố; nhiều cụ già, em nhỏ mặc dù còn khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn dành dụm, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Người dân đã có ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc, không tập trung đông người; tự nguyện khai báo y tế, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe khi có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm Covid -19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhiều địa phương đã tổ chức các đội giám sát tại địa bàn, kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình từng người, từng gia đình đi, đến từ vùng dịch cũng như vùng có nguy cơ mắc bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Thông qua công tác tuyên truyền nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực ủng hộ vật chất, giúp đỡ nhân dân những vùng phải phong tỏa vì dịch bệnh ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín và các hộ gia đình phải tự cách ly tại nhà (tính đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố Hà Nội đã vận động đăng ký và ủng hộ tiền mặt và hàng hóa được gần 200 tỷ đồng).
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nôi cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sự vào cuộc trong quá trình triển khai thực hiện của một số cấp ủy đảng, chính quyền đôi lúc chưa quyết liệt. Vẫn còn tình trạng người dân lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội, ra đường, tụ tập đông người tại các nơi công cộng, trong các chợ dân sinh... Các cửa hàng, hàng quán không thiết yếu vẫn còn hoạt động lén lút, tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hoạt động từ thiện hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những ngày dịch bệnh nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng, lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, sẻ chia trong xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, tình trạng người dân không chấp hành quy định giãn cách, chen lấn xô đẩy vẫn xảy ra. Nhiều hoạt động thiện nguyện do các tổ chức, cá nhân thực hiện với tính chất tự phát, lượng người tham gia quá đông nên đôi khi chưa đáp ứng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo được hiệu ứng lan tỏa với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở cơ sở cho thấy việc thực hiện rà soát đúng các đối tượng khá phức tạp do phạm vi các đối tượng được hưởng hỗ trợ rất lớn. Đặc biệt ở cơ sở, khu vực ngoại thành, yếu tố cộng đồng, làng xóm sẽ có ảnh hưởng lớn tới việc rà soát, thống kê đúng các đối tượng.
Để để giữ vững kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch trong giai đoạn mới, cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền thực hiện tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 31-CT/TU, Kế hoạch 180-KH/TU của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 07/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện và quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc” với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân để phòng, chống dịch.
Bám sát sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả; tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức tiếp tục chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương; đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc; khai báo y tế tự nguyện, thông báo kịp thời với cơ sở y tế về tình hình sức khỏe nếu có yếu tố, biểu hiện nghi nhiễm Covid -19 và thực hiện cách ly theo đúng quy định; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; các giải pháp triển khai đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch bệnh và giám sát việc thực hiện đúng các quy định hiện hành; kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế ngay sau khi hết dịch bệnh; các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.