Tham dự hội nghị về phía Bộ TT&TT gồm có: Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Tập thể Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT. Đại biểu TP Hà Nội tham dự gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; đại diện các sở, ban, ngành TP.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý báo cáo Kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND TP Hà Nội về Hợp tác phát triển TT&TT cho thấy, thời gian qua, TP đã thực hiện tốt công tác đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn, an ninh thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND và UBND TP và các ngày Lễ lớn, sự kiện lớn của TP. TP cũng đã tổng kết và xây dựng kế hoạch cuộc thi viết thư quốc tế UPU trên địa bàn.
Công tác kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước được tăng cường; thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trong lĩnh vực viễn thông, TP đã triển khai việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông; đẩy mạnh phát triển mạng 4G và thử nghiệm mạng 5G. Báo cáo, đề xuất Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS trên đất công, trụ sở công, công trình công và địa điểm công; Triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn TP. Kết quả sau gần 5 năm triển khai đã hoàn thành 150/253 tuyến phố. Tiếp tục tổng hợp 129 tuyến phố dự kiến hạ ngầm trong 6 tháng cuối năm 2020.
Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính quyền điện tử của TP được tập trung chỉ đạo, triển khai. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1659 thủ tục hành chính, đạt 91%. Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước đi đầu triển khai tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đồng thời triển khai thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí tại một số đơn vị…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý báo cáo tại buổi làm việc |
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với hệ thống công nghệ thông tin của TP được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với quá trình xây dựng Chính quyền điện tử và TP thông minh. Từ năm 2019 đến nay, TP chưa để xảy ra sự cố lớn về an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung.
TP cũng Tiếp tục triển khai hiệu quả “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”; tập trung nguồn lực chỉ đạo triển khai xây dựng hạ tầng Khu Công viên phần mềm TP Hà Nội tại huyện Đông Anh, tiếp tục thu hút đầu tư vào các Khu công nghệ thông tập trung của TP.
Trong lĩnh vực Báo chí, truyền thông, TP đã xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025; Duy trì giao ban quản lý nhà nước về báo chí (quý/lần). Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô…
Tuy nhiên, TP cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Đó là tình trạng giá cước dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích còn cao, không linh hoạt theo từng khu vực nên chưa thực sự thu hút người dân sử dụng dịch vụ; Chưa có quy hoạch băng tần cho mạng 5G. Việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS tại các khu vực đất công gặp vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Thêm vào đó, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, TP thông minh hiện chưa đầy đủ. Đặc biệt, TP còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi về lĩnh vực an toàn thông tin làm việc trong các cơ quan nhà nước; Vấn đề thống kê, tổng hợp báo cáo số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập.
Trong Lĩnh vực Báo chí, truyền thông cũng gặp một số vướng mắc do Bộ TT&TT chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công đối với báo in, báo điện tử. Các cơ quan báo chí Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn do phải tự trang trải kinh phí hoạt động. Các báo, tạp chí chưa kịp thời đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Trước thực trạng trên, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp tư vấn quản lý, kiểm tra, ban hành các văn bản chính sách nhằm hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông... cũng như giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo đà thúc đẩy phát triển thông tin và truyền thông trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Góp ý, hợp tác xây dựng thành phố thông minh
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn FPT khẳng định sẽ hỗ trợ TP tối đa trong việc xây dựng TP thông minh, trong đó có việc sản xuất phần mềm giao thông thông minh. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện thí điểm tại một số địa điểm trên địa bàn TP, khi có hiệu quả sẽ bàn giao nếu Hà Nội có nhu cầu. Còn Tập đoàn CMC mong muốn hợp tác với Hà Nội triển khai hệ thống camera thông minh, đảm bảo an toàn thông tin, góp phần xây dựng TP minh.
Đáng chú ý, liên quan đến ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý an sinh, xã hội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đề xuất cùng với Hà Nội thực hiện tốt nội dung hợp tác này. Đặc biệt, đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội nêu vấn đề nếu Hà Nội có nhu cầu sẽ sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, cũng như triển khai hạ ngầm cáp viễn thông.
Thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin là động lực phát triển cho TP, xây dựng Hà Nội trở thành cùng với đó, Việt Nam cũng như Hà Nội có lợi thế về dân số trẻ, thuận lợi cho việc phát triển đất nước số, thành phố thông minh. Thông qua quá trình hợp tác quốc tế giữa CMC & Samsung, Samsung nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi cung cấp dịch vụ về công nghệ số trong khu vực và toàn cầu. Trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh, bước đầu Hà Nội đã có những kết quả tốt. Tuy nhiên, tiềm năng và nhu cầu thực tiễn xã hội vẫn cò có khoảng cách. CMC mong muốn đóng góp, thu hẹp khoảng cách này.
Hiện nay, CMC đã bước đầu có sự hợp tác với Sở TNMT, triển khai thí điểm và phát triển trên nền tảng C.OPE2N, CMC cam kết đồng hành cùng thành phố phát triển, giúp cho việc quy hoạch đất đai của TP HN tốt hơn.
Về hạ tầng camera thông minh, CMC đã phát triển và hòa toàn làm chủ công nghệ lõi, có thể biến camera bình thường trở thành camera thông minh, giúp kiểm soát an toàn, an ninh đô thị. Về xây dựng trung tâm điều hành thông minh, CMC đã và đang tiếp tục đầu tư và nhận được nhiều kết quả tốt.
Về phía FPT, đại diện doanh nghiệp cho biết đã triển khai thí điểm trung tâm giao thông thông minh ở Hà Nội. Ở TP Hồ Chí Minh, FPT triển khai lắp đặt thành công 200 đèn giao thông thông minh, tất cả đều được kết nối vào một trung tâm điều hành giao thông thông minh. Ngoài ra, FPT cũng đã hoàn thành chốt kết nối trung tâm điều hành camera tại TP Hồ Chí Minh, giúp kết nối giữa các trung tâm điều hành các quận huyện với trung tâm điều hành camera thành phố. Tuy nhiên tại Hà Nội chưa có nguồn kinh phí.
Về phần VNPT, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Quang Liêm cho biết, về hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, VNPT đã kí kết với Hà Nội triển khai các hạ tầng thụ động. VNPT là một trong những đơn vị tích cực đầu tư, thực hiện các chủ trương của thành phố, chỉnh trang đô thị.
Đối với hợp tác công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Hà Nội, VNPT đã triển khai một số giải pháp liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, các giải pháp phục vụ giao ban trực tuyến,… VNPT sẽ cùng phối hợp với Hà Nội để có những giải pháp cụ thể về hệ thống báo cáo điều hành cấp thành phố, kết nối dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn,…Về mảng ứng dụng, các ứng dụng phục vụ quản lý công nghệ thông tin, an sinh xã hội Hà Nội chưa thực hiện được nhiều. VNPT sẽ cùng phối hợp với TP Hà Nội để thực hiện.
Tương tự như các doanh nghiệp khác, với vai trò là đơn vị viễn thông lớn nhất trên địa bàn TP, Viettel cũng đưa ra cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong quá trình chuyển đổi số.
Hà Nội mong muốn phủ sóng wifi các khu du lịch, làng nghề
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hạ ngầm toàn bộ cáp viễn thông. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia công việc này, thành phố đã làm việc với 27 doanh nghiệp để thống nhất giá chung; giao cho một đầu mối là Sở Xây dựng cấp phép.
Về công tác tuyên truyền, được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Nội là đơn vị đầu tiên đã ký kết hợp tác với kênh truyền hình CNN để quảng bá hình ảnh Thủ đô. "Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác về Giải đua xe công thức 1 - F1, vì vậy chúng tôi mong muốn hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để tận dụng tối đa sự kiện này, quảng bá hình ảnh của Hà Nội, Việt Nam", Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm phủ sóng wifi cho tất cả các khu, cụm công nghiệp; các khu du lịch, làng nghề để thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. |
“Bên cạnh đó, Hà Nội mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số…
Đây là con đường để phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, đồng thời giúp Thủ đô xây dựng hệ thống an toàn bảo mật thông tin”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Hai lĩnh vực "đôi cánh" để Hà Nội bay lên
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ có 6 lĩnh vực quản lý nhà nước, nếu gom lại sẽ có 2 nhóm lĩnh vực gồm hạ tầng số và báo chí truyền thông. Báo chí truyền thông có sức mạnh tạo ra khát vọng và sự đồng thuận xã hội. Nhưng muốn phát triển đất nước phải bằng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cho nên có thể coi 2 lĩnh vực này là đôi cánh để Hà Nội bay lên.
Về lĩnh vực bưu chính, trước đây quy mô còn nhỏ nhưng tới hiện nay lại tăng trưởng 30-40% trong suốt 5 năm nay cũng như giữ được từ 5-10 năm nữa, điều này đồng nghĩa với việc bưu chính sẽ phải triển hơn viễn thông. Do đó, Hà Nội cần coi bưu chính là một loại hạ tầng, cần tạo điều kiện và tập trung đầu tư. Hiện Bộ TT&TT cũng đang xây dựng bản đồ số của Việt Nam, Hà Nội cần hỗ trợ việc đưa mã bưu chính của các hộ dân cư trong địa bàn.
Hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông cộng với điện toán đám mây, đây là hạ tầng quan trọng nhất của phát triển kinh tế số. Từ nhiều năm nay Hà Nội không bỏ tiền vào hạ tầng này nên đã bỏ quên. Các doanh nghiệp số cần TP dẫn dắt để phát triển và đầu tư vào hạ tầng số.
Về phủ sóng 4G của Hà Nội, Bọ trưởng cho biết, tỷ lệ phủ sóng của Hà Nội thấp hơn trung bình của cả nước, nguyên nhân có 1 số khu của TP khó tiếp cận. Do đó TP cần hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cho nhà mạng xây dựng hạ tầng vào những khu vực này. Hà Nội cũng cần xác định mục tiêu đi đầu toàn quốc về 5G. Đây cũng là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.
Để thực hiện chuyển đổi số, nhu cầu cấp thiết là mỗi người dân phải sở hữu một smartphone nhưng tỷ lệ này ở Hà Nội vẫn thấp, do đó TP cần có kế hoạch thúc đẩy nhanh việc thay đổi này. Phấn đấu đến hết năm 2020 là đạt được mục tiêu này. Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội cần phải sạch, điều này cũng đồng nghĩa với rác như các nội dung độc hại phải được dọn sạch. Đây cũng là vấn đề quan trọng mà Hà Nội cần ưu tiên thực hiện.
Về ứng dụng CNTT như Chính phủ điện tử, Hà Nội nên đặt mục tiêu 100% với mức độ 4, Bộ TT&TT sẽ cam kết đồng hành cùng TP để hoàn thành trong năm 2021. Đối với Chính phủ số sẽ sinh ra nhiều dịch vụ mới nhằm phục vụ người dân. Đô thị thông minh chính là việc đưa công nghệ vào mọi mặt trong cuộc sống từ giáo dục, y tế cho đến giao thông. Hà Nội cần gắn liền việc phát triển đô thị thông minh gắn liền với chuyển đổi số.
TP Hà Nội cũng cần phối hợp với Bộ TT&TT đi đầu về xác định danh tính trên không gian mạng từ đó sẽ giúp triệt tiêu các thông tin xấu độc, chống phá chế độ đang tồn tại trên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng xây dựng Hà Nội thành TP hàng đầu về an toàn an ninh mạng không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả thế giới.
TP Hà Nội và Bộ TT&TT tiến hành ký kết Biên bản hợp tác năm 2020, 2021 và định hướng các năm tiếp theo |
Với chiến lược Make in VietNam, vai trò của doanh nghiệp địa phương rất quan trọng, đây chính là các đơn vị đưa CNTT vào các ngõ ngách, qua đó phổ cập được sâu rộng quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là những đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Hà Nội.
Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, sau quy hoạch một số cơ quan báo chí của TP chưa có nền tảng chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ đứng ra kết nối các doanh nghiệp số để giải quyết vấn đề này. TP cũng cần chú ý đẩy mạnh cơ chế đặt hàng cho báo chí nhằm giúp báo chí vừa đảm bảo công tác tuyên truyền vừa có thể phát triển bền vững.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Hà Nội cần xem xét đầu tư cho lĩnh vực thông tin truyền thông khoảng 2% trên tổng ngân sách, điều này sẽ đảm bảo cho lĩnh vực phát triển nhanh và đúng với tiềm năng vốn có.
Bộ TT&TT có thể giúp TP ra bộ chỉ số mỗi 6 tháng để giúp Hà Nội thấy rõ việc phát triển thông tin truyền thông đang ở mức nào so với các TP khác hoặc so với các TP trên thế giới. Từ đó sẽ giúp TP phát triển hiệu quả hơn lĩnh vực này., Bộ trưởng Nguyễn Manh Hùng nói.
Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hà Nội là một đô thị đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, dân số cố định và cơ động khoảng trên 10 triệu người, là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, trung tâm lớn về khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, 6 lĩnh vực quản lý về thông tin và truyền thông của Bộ TT&TT đặc biệt quan trọng với Hà Nội. Trong thời gian qua hai bên đã có sự phối hợp, ký kết biên bản hợp tác để nâng cao công tác thông tin và truyền thông.
Cũng theo Bí thư, nhu cầu của Thủ đô về phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông rất lớn, tuy nhiên sự phát triển trong lĩnh vực này còn chưa tương xứng, Hà Nội cần cố gắng rất nhiều để đẩy mạnh phát triển. Qua các ý kiến tại buổi làm việc Hà Nội có thể xác định những quan điểm để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số.
Để thực hiện những mục tiêu này, Hà Nội cần đặt chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực và xác định chi phí. Theo Bí thư Vương Đình Huệ mục tiêu này rất cao và Thành phố xác định sẽ dành nguồn lực cao để tạo dư địa cho phát triển. Chính vì vậy Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để xây dựng chiến lược chuyển đổi số để năm 2026 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trung tâm nhân tạo lớn của cả nước và mục tiêu của cả khu vực.