Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Thực hiện tốt "5 không", "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/3, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội do ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hoài Đức.

Theo ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm trên địa bàn huyện, giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, UBND huyện Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi.
Phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi tại xã Cát Quế, Hoài Đức.
Trong đó tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch dưới nhiều hình thức. Tuyên truyền cho người chăn nuôi hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. Đồng thời chuẩn bị vật tư, hóa chất... và có phương án tiêu hủy khi có dịch xảy ra...
Qua kiểm tra tình hình thực tế các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận định, nguy cơ lây lan dịch bệnh tả châu Phi tại đây rất cao. Do đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đồng đều, số hộ chủ yếu vẫn chăn nuôi theo phương thức truyền thống, tận dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, khách sạn. Đây là một trong những nguy cơ rất lớn lây lan dịch tả lợn châu Phi. Mặt khác, địa phương lại tiếp giáp với huyện Quốc Oai (nơi đã bùng phát dịch tả lợn châu Phi).
Theo đó, để phòng chống dịch bệnh, Hoài Đức cần phải mời những hộ lấy thức ăn thừa đi tập huấn (phải nấu chín lại trước khi cho lợn ăn và phải dùng những thùng chứa có nắp đậy kín). Phổ biến lại kiến thức cho người chăn nuôi đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành các xã và chỉ đạo các xã có phương án tiêu hủy.
Ở những nơi không có dịch thì địa phương và chính quyền cần phải cho lưu thông vận chuyển, buôn bán lợn bình thường, tránh tình trạng ùn ứ, không nên "ngăn sông cấm chợ". Đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng, phun thuốc ruồi, muỗi, chuột để ngăn chặn vật chủ trung gian lây bệnh. Các chợ giết mổ lợn cũng cần được tiêu độc, vệ sinh sạch sẽ. Tiến hành phun sát trùng, rắc vôi để diệt mầm bệnh, (phương pháp này không chỉ áp dụng cho với các ổ dịch mới mà ngay cả những ổ dịch cũ như lở mồm long móng để ngăn chặn dịch chồng dịch). Ký cam kết để người dân không bán chạy, không giấu dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch thông qua các cơ quan, đoàn thể để nâng cao ý thức phòng dịch.
* Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ. Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Chương Mỹ có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, với 515 trang trại, trong đó có 115 trang trại chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó huyện vẫn tồn tại hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư nên công tác quản lý dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời quản lý giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên đến hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn xóm của các xã, thị trấn. Hàng ngày đài truyền thanh của xã, huyện thường xuyên tuyên truyền về diễn biến dịch, nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải thực hiện, công khai định mức hỗ trợ thiệt hại khi có dịch để các chủ hộ chủ động khai báo khi có dịch, không giấu dịch.
Đặc biệt, huyện đã tổ chức ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh, giết mổ... Kết quả có 96% hộ chăn nuôi và 500 (97%) cơ sở buôn bán, kinh doanh, giết mổ... tham gia ký cam kết.
Ngoài ra huyện cũng tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và tăng cường thanh, kiểm tra trên địa bàn.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu huyện Chương Mỹ cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân để chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó yêu cầu thực hiện tốt "5 không" (không giấu dịch, không mua bán lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý, "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ) để đạt hiệu quả cao. Tổ chức khống chế và dập tắt ổ dịch không cho lây lan sang diện rộng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường do dịch tả lợn châu Phi gây ra.