Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiêu hủy gần 65.000 con lợn bố, mẹ vì dịch tả châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính đến ngày 24/7, Hà Nội đã tiêu hủy 26,4% tổng đàn lợn vì dịch tả châu Phi (DTLCP), trong đó số lợn nái, đực giống mắc bệnh là 64.817 con, chiếm 13% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy.

Hà Nội tiêu hủy gần 65.000 con lợn vì dịch tả châu Phi
Trong ngày, dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại 27 hộ chăn nuôi thuộc 7 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 523 con với trọng lượng 27.881 kg. Lũy kế đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn TP đã xảy ra tại 28.440  hộ chăn nuôi (chiếm 35,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.311 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 494.259 con (chiếm 26,4% tổng đàn) với trọng lượng 33.82 tấn. Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống mắc bệnh, tiêu hủy là 64.817 con, chiếm 13% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoang vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; TP và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 231 tấn hóa chất và 7.805 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.
Đến nay, có 114 xã, phường thuộc 21 quận, huyện, thị xã dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn.
Do đó, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định. Đặc biệt phải tập trung ưu tiên bảo vệ đàn lợn nái, đực giống để bảo đảm việc khôi phục ngành chăn nuôi sau dịch bệnh.