Trao tiền hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng |
Chi trả trước các đối tượng rõ ngành nghề
Thưa ông, ngày 12/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1955/QĐ-UBND; tuy nhiên, vẫn có những ý kiến băn khoăn về tiêu chí, thu nhập của đối tượng không có ký kết hợp đồng lao động?
- Sau khi UBND TP ban hành Quyết định 1955, các cơ sở vẫn hỏi nhiều về nhóm lao động tự do. Về tiêu chí xác định đối tượng lao động tự do, theo hướng dẫn của Tổng đài quốc gia 111, những người làm nghề massage, xoa bóp y học, tẩm quất, châm cứu thuộc nhóm chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, để làm căn cứ pháp lý, TP Hà Nội đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH ra văn bản để các địa phương áp dụng. Cách thức xác định mức thu nhập của đối tượng này cũng rất linh hoạt. Người lao động (NLĐ) phải kê khai mức thu nhập của mình theo định lượng. Cán bộ cơ sở dựa vào thông tin điều tra cung - cầu lao động vào tháng 7 hàng năm để xác định mức thu nhập cho từng đối tượng có bị mất việc không.
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, lao động tự do phải xuất phát từ phi nông nghiệp và đáp ứng các điều kiện. Thực tế, không ít người có đất nông nghiệp phải đi bán hàng rong có được hỗ trợ?
- Mọi người đang hiểu rất sai về Nghị quyết 42 và Quyết định 15. Có hay không đất nông nghiệp, không phải là điều kiện bắt buộc để xác định đối tượng được thụ hưởng. Bây giờ có hiện tượng người dân có đất nhưng không làm ruộng mà đi làm ve chai, lao động tự do vẫn được hỗ trợ với điều kiện họ nằm 1 trong 6 nhóm ngành nghề theo quy định và bị giảm sâu thu nhập.
Trước mắt, những nhóm đối tượng lao động tự do đã rõ ngành nghề, TP cho thực hiện luôn. TP đang yêu cầu các quận, huyện rà soát những đối tượng lao động tự do thuộc ngành nghề khác nhưng phải đảm bảo tiêu chí điều kiện (mất việc làm, giảm sâu thu nhập, có mức thu nhập dưới chuẩn hộ cận nghèo).
DN vi phạm sẽ bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP quy định, DN vay tiền từ ngân hàng để chi trả lương cho NLĐ thông qua tài khoản ngân hàng. Nhưng Quyết định 1955 của UBND TP Hà Nội, DN có trách nhiệm chi trả trực tiếp cho NLĐ, liệu có xảy ra trục lợi?
- Thực tế khó có thể xảy ra việc DN trục lợi, bởi có sự kiểm tra, giám sát. Sau khi DN thông báo chi tiền xong cho NLĐ, chúng tôi sẽ gọi điện cho một số NLĐ hỏi xem họ đã nhận được chưa. Nếu chủ DN không thực hiện chi trả cho đối tượng thụ hưởng, là vi phạm chính sách an sinh xã hội sẽ bị hình sự hóa ngay. Hiện nay, khảo sát sơ bộ, số lao động làm việc trong các DN bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, có số lượng không nhiều.
Nhưng thực tế có bất cập, có thể DN A quy mô 100 lao động, do phải thực hiện giãn cách xã hội, giảm tần suất sản xuất, chủ sử dụng lao động cho 20 - 30% trong tổng số NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động. Vấn đề đặt ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho NLĐ nhưng lại gắn vào điều kiện DN. Vì thế, chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến phản ánh, sau đó sẽ đề xuất với cấp trên có quyết định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.
Theo kế hoạch, đến ngày bao nhiêu NLĐ và hộ kinh doanh cá thể được nhận tiền hỗ trợ?
- Ngày 12/5, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1955 và quy định thời gian, trình tự giải quyết cho từng đối tượng. Ví dụ, đối tượng lao động không có ký kết hợp đồng lao động, thực hiện làm hồ sơ đến khi chi trả tiền là 7 ngày (5 ngày UBND cấp xã rà soát và tổng hợp danh sách NLĐ đủ điều kiện gửi cấp huyện; 2 ngày Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ). Như vậy, tính thực hiện từ ngày 13/5 thì nhanh nhất đến 20/5 sẽ chi trả cho những đối tượng đã được xác định rõ như lao động trong các hộ kinh doanh cá thể, lao động làm việc trong các DN bị tạm dừng, tạm hoãn lao động.
Xin cảm ơn ông!