Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai hơn 1.650 điểm bán hàng bình ổn dịp Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương nên tạo điều kiện cho DN tốt hơn nữa trong việc dự trữ, vận chuyển...

Kinhtedothi - Bộ Công Thương nên tạo điều kiện cho DN tốt hơn nữa trong việc dự trữ, vận chuyển hàng hóa, đó là ý kiến của các DN tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với UBND TP Hà Nội về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tổ chức ngày 29/12.

 Đảm bảo không thiếu hàng - sốt giá

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, để đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường theo chỉ đạo của UBND TP, các DN kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỷ đồng. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn TP đạt trên 21.610 tỷ đồng.
Người dân mua hàng Tết tại phiên chợ Việt.
Người dân mua hàng Tết tại phiên chợ Việt.
Nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân, ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá. Từ nay tới Tết Nguyên đán, UBND TP tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu các DN tăng cường phát triển mạng lưới bán lẻ, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ Nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã tạo điều kiện cho DN trong quá trình dự trữ hàng hóa, nhất là hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán nhưng trong quá trình tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị than phiền: Hiện sản phẩm bánh kẹo của DN đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu. Điều này khiến sức tiêu thụ sản phẩm giảm, DN chỉ dám dự trữ lượng sản phẩm tương đương Tết Nguyên đán Ất Mùi. “Đề nghị Bộ Công Thương nên quản lý chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu mặt hàng này để giúp DN trong nước quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”. Đại diện Công ty CP Vang Thăng Long nêu ý kiến: Thời điểm áp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ rượu, thuốc lá tăng cao. Tuy nhiên, người kinh doanh mặt hàng này phải có giấy phép, nhưng hiện việc cấp giấy phép không nhiều, điều này dẫn đến mở rộng mạng lưới tiêu thụ không dễ dàng.

Trước ý kiến của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải nêu rõ, trong quá trình dự trữ hàng hóa các DN cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, từ đó có phương án điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường. Đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các DN nên lưu ý đến tâm lý người tiêu dùng, bởi tâm lý mua sắm của người dân ở các huyện ngoại thành khác với người tiêu dùng nội đô. Nếu DN không lưu tâm vấn đề này có thể dẫn đến tình trạng hàng vừa thừa, vừa thiếu. Bên cạnh đó DN bán lẻ, sản xuất nên đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ, bởi đây là thị trường lớn lại không phải đối mặt với hàng nhập khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Hà Nội đã triển khai hơn 1.650 điểm bán hàng bình ổn giá; thực hiện các phiên chợ Việt đưa hàng bình ổn giá tới các huyện ngoại thành; tập trung giải quyết khó khăn cho DN trong việc lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng đề nghị các DN tích cực đồng hành cùng TP trong việc chuẩn bị hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp trước, trong và sau Tết, không để khan hàng, sốt giá.