Ngày 9/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp giao ban dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo.
Tính đến sáng 9/8, tại Hà Nội, giai đoạn 2 ghi nhận 29 ca mắc, trong đó 7 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng, ca thứ 7 của Hà Nội là BN 812 (ca 812 cũng là F1 của BN 447).
Thành phố tiếp tục rà soát người về từ Đà Nẵng, trong ngày 8/8 đã rà soát có thêm 1.681 người, nâng tổng số người từ Đà Nẵng về lên 98.160 người (trong đó về từ ngày 15/7 có 74.167 người). Thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó tập trung làm việc với các đơn vị của Bộ Y tế để tiếp nhận xét nghiệm ngay số mẫu đã lấy trong ngày 8/8 đang bảo quản tại CDC, đồng thời, tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho những người đi Đà Nẵng về từ 15-29/7/2020.
Khẩn trương mua que lấy mẫu, ống bảo quản mẫu để đảm bảo tiến độ xét nghiệm cho tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng từ 15-29/7/2020; truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc mới, không để bỏ sót; tiếp tục rà soát, cập nhật các trường hợp từ Đà Nẵng về, giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đối với những người về chưa qua 14 ngày; Đảm bảo công tác công tác phòng, chống dịch cho kỳ thi THPT...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, tình hình dịch tại Việt Nam và Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Hiện dịch đã lan ra hơn 40 tỉnh, thành phố; có 10 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, có 7 ca mắc mới, có lịch trình di chuyển phức tạp tại cộng đồng. Đặc biệt, ca bệnh mới (bệnh nhân 812) là trường hợp thứ phát, lây từ BN447, đã 2 lần xét nghiệm RT-PCR âm tính, lần thứ ba phát hiện dương tính.
"Dịch ngày càng phức tạp, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn, tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hơn, cần phải chạy đua với thời gian trong việc khoanh vùng, dập dịch", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Từ những đánh giá, nhận định trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các quận, huyện, thị xã phải tổ chức mua sắm đủ vật tư y tế cho các cơ sở y tế địa phương. Địa phương nào chưa kịp mua sắm thì liên hệ với CDC Hà Nội để nhận dụng cụ y tế như găng tay, bảo hộ, sát khuẩn...
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tập trung rà soát các trường hợp F1, F2 của tất cả bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội và các trường hợp bệnh nhân các tỉnh, thành khác có đi đến Hà Nội. Tất cả trường hợp F1 phải lập tức cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ngay khi cách ly và trước khi hết thời hạn cách ly 14 ngày; F2 phải được theo dõi, cách ly tại nhà và cũng được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, lúc này công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR rất quan trọng để có thể kịp thời phát hiện ca bệnh, ngăn chặn nguồn lây. Hiện nay, ngoài CDC Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã liên hệ được 4 bệnh viện của trung ương có thể tiến hành xét nghiệm RT-PCR là: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương 2.
"Tất cả trường hợp đi Đà Nẵng về từ ngày 15/7 phải được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Trường hợp từ ngày 7/7 đến 15/7 thì lấy mẫu máu để xét nghiệm Elisa", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu tính toán người từ Đà Nẵng về Hà Nội từ ngày 15/7 – 24/7 đến nay được khoảng trên dưới 3 tuần, tuần tới lấy mẫu xét nghiệm xong, có thể khoanh vùng, dập dịch. Từ nay đến 15 – 20/8 là những ngày cao điểm, có thể còn lắt nhắt những ca nhiễm mới, nhưng chúng ta hết sức bình tĩnh, không chủ quan, nhưng không quá lo lắng. “Cứ bình tĩnh xử lý như vừa rồi, ca bệnh diễn ra ở đâu thì làm triệt để từng điểm nhỏ như vậy, truy vết nhanh chóng”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố Hà Nội tiếp tục quản lý xuất nhập cảnh; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang. Sở Y tế Hà Nội đôn đốc các bệnh viện trên địa bàn quản lý chặt chẽ công tác phân luồng khám, chữa bệnh, đặc biệt tại các khoa có trường hợp bệnh nền nặng, như: Chạy thận, đái tháo đường...; bảo đảm đủ trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch. Các bệnh viện phải kiểm soát người thăm thân, chỉ cho một người nhà vào chăm bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa người vào thăm.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cài đặt phần mềm Bluezone để quản lý, xác định trường hợp tiếp xúc; nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng; tất cả toà nhà chung cư, trung tâm thương mại, cửa hàng, cơ quan phải có nước khử khuẩn, đo thân nhiệt...