Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Từ vụ sập nhà, báo động chất lượng xây dựng nhà dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), những sự cố sập nhà gần đây xảy ra chủ yếu rơi vào nhà ở riêng lẻ do dân tự thi công.

KTĐT - Theo ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), những sự cố sập nhà gần đây xảy ra chủ yếu rơi vào nhà ở riêng lẻ do dân tự thi công.

Sự cố sập đổ nhà năm tầng ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội ngày 31-3 một lần nữa cảnh báo về chất lượng và công tác quản lý công trình xây dựng tư nhân, nhà ở riêng lẻ, khi người dân tự thiết kế, tự thuê thợ xây thi công còn phổ biến.

Có thể khởi tố vụ án

Cho đến hôm qua, nhiều hộ dân sống bên cạnh ngôi nhà 47B phố Huỳnh Thúc Kháng phải sơ tán, đi ở nhờ chỗ khác. Theo xác minh ban đầu, căn nhà bị sập này có diện tích 84m2 là của bà Lê Bá Tuyết. Trước thời điểm bị sập, ngôi nhà này được gia đình bà Tuyết cho thuê, đang trong quá trình cải tạo, xây dựng để làm cửa hàng Pizzza.

Theo một số người sống lâu năm ở ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng, ngôi nhà này được xây mới từ khoảng cuối năm 2002 đã được mua đi bán lại qua nhiều người. Sau mỗi lần mua bán, ngôi nhà lại được chủ mới sửa sang hoặc trồng thêm tầng, điều nguy hiểm các tầng trên có diện tích rộng hơn tầng dưới.

“Ngôi nhà đã được xây dựng từ lâu, các cột trụ rất nhỏ. Hơn nữa, do không có lực đỡ một bên và có thể do dư chấn của trận động đất tại Hà Nội vừa qua cũng làm ngôi nhà bị sập” - Ông Trần Khắc Hạ, Chánh Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cho biết.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, Công an quận Đống Đa đã rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của hộ thuê nhà, đồng thời yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ thiết kế và quá trình thi công sửa chữa. “Nếu như trong quá trình sữa chữa mà ngôi nhà bị thay đổi kết cấu dẫn đến sụt lún, đổ sập, cơ quan công an sẽ xem xét khởi tố vụ án” - Một cán bộ công an nói.

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, trước đây Hà Nội từng xảy ra một số trường hợp tương tự. Nhiều công trình nhà dân khi xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa đã làm rạn nứt, thậm chí tạo ra nguy cơ sụp đổ cho các nhà liền kề.

“Dù quy định xây dựng mới hay cải tạo sửa chữa đều phải xin giấy phép. Nhưng có nhiều trường hợp vì lợi ích cá nhân cần mở rộng diện tích kinh doanh, cho thuê nên chủ hộ tự ý đập phá, cải tạo. Nhiều trường hợp còn tự thiết kế, tự thuê thợ xây phá bỏ hẳn tường chịu lực, thêm bớt những vật liệu không phù hợp nên rất nguy hiểm” – Một cán bộ thanh tra nói.

Nhà dân: Khoán trắng cho thợ xây

Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trừ các công trình nhà cao tầng và khu đô thị có quy mô lớn được thẩm định thiết kế cơ sở kỹ lưỡng, phần lớn các công trình nhà ở riêng lẻ, nhà dân hiện nay chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xây dựng, nên nhiều sự cố liên quan đến chất lượng công trình đã xảy ra.

“Không chỉ Hà Nội, tôi thấy nhiều nơi việc xây dựng toàn nhà năm, sáu tầng của dân rất dễ dàng. Nhiều chủ nhà không cần thiết kế, cứ xây theo kinh nghiệm, thói quen của các tốp thợ xây tự do”-Ông Liêm nói.

Theo ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), những sự cố sập nhà gần đây xảy ra chủ yếu rơi vào nhà ở riêng lẻ do dân tự thi công.

“Phần lớn các sự cố xảy ra đều do cả chủ nhà và nhà thầu đều không đảm bảo các quy định về chất lượng công trình xây dựng. Đơn cử, theo quy định hiện hành, nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn 2 tầng thì chủ công trình có thể tự làm, nhưng phải thuê các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện và phải chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình. Song, các nhà thầu do năng lực hạn chế đã thiếu tuân thủ các quy định nên để xảy ra sự cố đáng tiếc”- Ông Hùng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ còn bị phó mặc cho dân. “Thông tư số 39 về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ của Bộ Xây dựng quy định tổ chức cá nhân thi công phải chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của công trình.

Trong khi, việc quản lý của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kiểm tra giám sát. Nhiều công trình chủ nhà tự giám sát hoặc nhờ người thân giám sát hộ, mà đúng ra là trông coi hộ. Thậm chí, nhiều chủ nhà khoán trắng cho nhà thầu, trong khi đó thợ xây lành nghề thì không nhiều, chủ yếu là lao động tự do chưa qua đào tạo”- Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng phản ánh.

Gần 20 căn hộ chung cư bị ảnh hưởng

Ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, có khoảng 18 căn hộ ở khu tập thể số 51 Huỳnh Thúc Kháng bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà 47B Huỳnh Thúc Kháng.

Để đảm bảo an toàn cho người dân sống trong tập thể này, quận đã chỉ đạo di tản toàn bộ các hộ dân ra khỏi toà nhà. Báo cáo ban đầu của Siêu thị máy tính Đăng Khoa cho biết bị thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng, còn 18 hộ dân chưa tính được mức thiệt hại.