Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính đã trình bày tóm tắt Đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Theo đó, để tạo điều kiện cho địa phương phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là “đầu tàu” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, Quảng Ninh đề xuất được hưởng cơ chế đặc thù cho tỉnh, đặc biệt cho hai khu hành chính – kinh tế Móng Cái, Vân Đồn.
Cụ thể, huyện đảo Vân Đồn sẽ được xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố biển tiêu biểu với các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, tài chính và là cửa ngõ giao thương quốc tế với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ đạt khoảng 21,9%/năm trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Trong khi đó, Móng Cái được định hướng trở thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, là trung tâm phát triển của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ với các mũi nhọn là thương mại biên giới, là cửa ngõ giao thương trao đổi hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, phát triển du lịch biển và du lịch biên giới. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ tăng 14,8% từ nay đến năm 2020 để GDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD vào năm 2015 và 14.000 USD năm 2020.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức được hơn 50 hội nghị, hội thảo khoa học lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành tham gia vào Đề án. Các ý kiến đều ủng hộ việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và nhất trí hỗ trợ tỉnh thực hiện với điều kiện cao nhất. Tại buổi làm việc, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cách đặt vấn đề và quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhanh, bền vững đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Đề án có tính khả thi cao, đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mình, Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành địa bàn động lực phát triển của khu vực phía Bắc. Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao đề án với tính đột phá, sáng tạo, được nghiên cứu xây dựng một cách công phu trong việc tìm ra hướng đi đặc thù phù hợp với Quảng Ninh. Góp ý cụ thể với đề án, đồng chí Phạm Quang Nghị lưu ý tỉnh Quảng Ninh nên chú ý đến phạm vi thời gian của tỉnh đề ra. Vì Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là thời gian ngắn, trong khi đề án có nhiều nhiệm vụ, mục tiêu lớn phải thực hiện trong thời gian dài. Về việc lập 2 khu hành chính Vân Đồn - Móng Cái thể hiện tư duy đột phá, Hà Nội ủng hộ ý tưởng.
Tuy nhiên, đồng chí đề nghị tỉnh nên cân nhắc, đầu tư công phu hơn nữa cho đề án, đặc biệt khía cạnh hành chính bởi đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu mô hình cho phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên lựa chọn một trong hai khu vực để tập trung triển khai thực sự đạt hiệu quả. Cơ bản đồng ý với mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, không gian… phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, tuy nhiên với các chỉ tiêu phát triển đến năm 2030, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gợi ý tỉnh Quảng Ninh nên đưa ra ít nhất hai phương án để phù hợp với tình hình thực tế hơn. Trong mỗi phương án cần có lộ trình 5 năm cho từng giai đoạn, từ đó mới dự kiến được các vấn đề về nguồn lực tại chỗ và bên ngoài, giải quyết các mâu thuẫn trong các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như công nghiệp, dịch vụ… Đối với đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy cho rằng tỉnh cần có sự chọn lọc, không nên dàn trải. Từ kinh nghiệm của Hà Nội, đồng chí mong Quảng Ninh tiếp tục mở thêm các diễn đàn đối với các ngành, các chuyên gia để khi trình đề án với cơ quan có thẩm quyền sẽ có tính thuyết phục cao, đạt được mục tiêu đề ra.