Vào năm 1994, một nhà đầu tư Singapore đề xuất ý tưởng xây dựng đô thị ở ngoài đê khu vực An Dương. Đến khoảng giữa năm 2006, lãnh đạo TP Hà Nội và thị trưởng TP Seoul (Hàn Quốc) ký một thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Do gặp những yếu tố khó khăn khách quan, đến đầu năm 2017, Hà Nội thông báo có chủ trương tiếp nhận tài trợ của 3 nhà đầu tư trong nước, giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp lựa chọn các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm để nghiên cứu, đưa ra ý tưởng, phương án thực hiện đồ án quy hoạch. Và 3 năm qua, Hà Nội vẫn đeo đuổi giấc mơ thành phố hai bên sông.
Với mong muốn giấc mơ ấy sớm thành hiện thực, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV (diễn ra trong hai ngày 6 - 7/2020), đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) đã đề nghị TP quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch, nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng. Sau những phân tích về điều kiện cần và đủ, đại biểu nhấn mạnh: “Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là vướng mắc về văn bản pháp luật của bộ, ngành, T.Ư để đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân Thủ đô cũng như Nhân dân cả nước".
Ngay tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo tin vui rằng, sắp tới, Hà Nội có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT. Hà Nội sẽ đề xuất giải pháp, trong đó, Bộ NN&PTNT có thể ủy quyền cho TP Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch. TP cũng dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo hai bờ đê tích hợp thành hai con đường... Trước đó, Hà Nội đã thành lập một Ban chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Việc lập quy hoạch phải đảm bảo phòng chống lũ, tạo lập một đô thị hiện đại, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo quỹ đất cho TP để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; ưu tiên tái định cư tại chỗ; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông; nghiên cứu phương án quy hoạch tuyến đường dọc hai bên sông kết hợp làm đê ngăn lũ...
Rất nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, để quy hoạch xây dựng Thủ đô phát triển hiện đại và bền vững, Hà Nội phải là TP quay mặt ra sông. Thực hiện được điều này, cần phải sửa đổi quy định của Luật Đê điều dựa trên cơ sở tình hình mới. Các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Những năm gầy đây, Hà Nội đã phát triển cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ cho tiến trình này thông qua việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng. Gần đây nhất, Sở QH - KT và các đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án kiến trúc cầu Tứ Liên, kết nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ. TP Hà Nội cũng đang xem xét hai phương án xây dựng cầu hoặc hầm Trần Hưng Đạo qua sông Hồng, kết nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên... Xây dựng một Thủ đô tựa lưng vào núi, hướng ra sông là đáp ứng cho sự phát triển hội nhập toàn cầu hóa. Cũng như đất nước Việt Nam đang tạo đà hướng ra biển để lớn mạnh.