Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội vào mùa lễ hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiếng trống hội ở Hà Nội đã rộn rã cùng không khí náo nức, đông vui hơn các mùa hội trước. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui vẫn còn nhiều lời cần nhắc nhở với người đi hội…

Niềm vui nhân đôi

Ngày mùng 5 tháng Giêng (tức 14/2 Dương lịch), lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã mở đầu mùa lễ hội Hà Nội. Thời tiết chiều lòng người nên hội Gò Đống Đa năm nay thu hút đông đảo khách thập phương.

Từ sáng sớm, phố Tây Sơn đã ùn tắc, bãi trông xe đường Tây Sơn và đường Đặng Tiến Đông luôn trong tình trạng quá tải. Rất nhiều người dân ở các huyện như Chương Mỹ, Hoài Đức đến hội muộn hơn người dân ở khu trung tâm đã phải vòng đi gửi xe ở những điểm xa.
 
Hà Nội vào mùa lễ hội - Ảnh 1
 
Múa rồng trong lễ hội Chùa Hương 2013. Ảnh:  Thanh Tùng
 
Lễ hội Gò Đống Đa năm nay có quy mô lớn hơn năm trước, ngoài các đoàn rước ở các quận, huyện Hà Nội thì các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên… cũng về góp lễ với đội rước đông tới hàng trăm người.Sự nô nức, tấp nập của hội Gò Đống Đa là khởi đầu cho một mùa hội nhiều niềm vui của người Hà Nội. Ngay tối mùng 5, người dân Thủ đô được chứng kiến lễ đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ học Cổ Loa (Đông Anh).

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao cho Hà Nội tấm bằng vinh dự vào đúng dịp người dân Đông Anh đang chờ giờ phất cờ mở hội Cổ Loa 2013. Có lẽ, vì niềm vui nhân đôi trong mùa lễ hội năm nay, nên lễ hội Cổ Loa đón lượng khách tham dự đông hơn các năm trước, có cả du khách quốc tế. Du khách được trải nghiệm từ phần nghi lễ với lễ tế, nghênh rước kiệu của từng xã trong "bát xã" (kiệu rước bài vị Vua An Dương Vương, được rước vòng quanh hồ Ngọc Tỉnh, về đền Thượng); cho đến phần hội với các trò chơi: Cờ người, cờ tướng, bắn nỏ, kéo co, hát quan họ, hát xẩm…

Và ngày mùng 6 tháng Giêng (tức 15/2 Dương lịch), lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ kỷ niệm 1973 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)… cũng tưng bừng khai mở. Từ 3 giờ sáng, hàng vạn du khách đã có mặt tại bến Yến chờ đò xuôi dòng suối Yến vào đền Trình, đến cổng Thiên Trù, lên động Hương Tích để hưởng trọn hành trình lễ Phật. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn cho biết: "Ước tính, lễ hội Chùa Hương 2013 sẽ thu hút khoảng 1,5 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, từ ngày 1 đến ngày mùng 8 tháng Giêng, đã có gần 1,3 triệu lượt khách về dự hội. Ngày mùng 6, lượng khách đến với chùa Hương ước tính gần 5 vạn lượt…".

Lễ hội Chùa Hương kéo dài ngày nhất trong các lễ hội cả nước. Điều đáng ghi nhận trong năm nay là với những nỗ lực của Ban tổ chức và những chỉ dẫn được ghi trên bảng: "Đây là ga kỹ thuật, đề nghị quý khách không vứt tiền xuống ga này", không cúng rượu, thịt, giò chả, vàng mã, tiền âm phủ… nên đã giảm đi phần nào những hình ảnh phản cảm thường thấy trong những mùa lễ hội trước.

 Nỗi buồn vẫn còn đó...

Hội Gióng vẫn được coi là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh rất riêng của Hà Nội. Bắt đầu từ năm 2010, Hội Gióng thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn chính nhờ tấm bằng UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một trong những phần đặc biệt nhất của Hội Gióng là nghi lễ dâng hương của các làng và màn tranh cướp lộc.

Thế nhưng, năm nào cũng vậy, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, khi Hội Gióng ở Sóc Sơn diễn ra, người ta lại chứng kiến cảnh tranh cướp lộc đến sứt đầu, mẻ trán. Thậm chí năm nay, khi các lễ vật còn đang trên đường dâng lên Đức Thánh, các con hương đã nhảy vào tranh cướp. Khách thập phương nhìn thấy không khỏi lắc đầu ngao ngán. Nhìn cảnh đó, nỗi lo làm sao giữ gìn nền nếp văn minh nơi lễ hội có khi còn lớn hơn nỗi lo bị tước danh hiệu từ UNESCO.

Lễ hội Chùa Hương 2013 đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, cái cảm giác thanh tịnh khi xuôi dòng suối Yến, lần từng bậc đá ngắm núi non Hương Sơn có lẽ chỉ có cách đây hơn chục năm. Đường lên động Hương Tích giờ đây tầm mắt du khách bị khuất lấp bởi dãy hàng quán la liệt bán đủ thứ từ bánh củ mài, thuốc nam chữa bệnh... đến thịt thú rừng… Câu hỏi thường trực đặt ra với ban quản lý di tích nơi đây mỗi mùa lễ hội là vấn đề sắp xếp, quản lý hàng quán.

Và năm nào cũng vậy, câu trả lời quá nhàm vẫn là… chờ quy hoạch. Quy hoạch tổng thể của khu di tích Chùa Hương "mắc" từ hơn 10 năm nay, liên quan đến rất nhiều cấp, nhiều ngành. Song, quy hoạch hàng quán chỉ là một vấn đề nhỏ, nằm trong tầm tay của chính quyền địa phương. Nhưng không hiểu sao, đã từng ấy thời gian, việc sắp xếp hàng quán cho trật tự, hợp lý ở Chùa Hương vẫn khó đến vậy?

Mùa lễ hội ở Hà Nội với lễ hội làng Chèm (Từ Liêm), chùa Thầy (Thạch Thất), đền Và (Sơn Tây)… sẽ còn kéo dài cho đến hết tháng 2 sang cả đầu tháng 3 âm lịch. Và để không gian của lễ hội trở về theo đúng nghĩa mà người đi hội mong muốn, rất cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, nhà quản lý cũng như ý thức của du khách khi tham gia các hoạt động lễ hội.