Hà Nội vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì Hội nghị giao ban của TP về công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, công tác xây dựng nhà vệ sinh trường học, công tác đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu và kết quả thực hiện chương trình Sữa học đường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, năm 2018, tổng số trường được kiểm tra, thẩm định công nhận chuẩn quốc gia là 121 trường (51 trường Mầm non, 24 trường Tiểu học, 38 trường THCS và 8 trường THPT), vượt chỉ tiêu TP giao (giao xây dựng 80 trường chuẩn quốc gia), đạt 151% kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Số trường thuộc kế hoạch công nhận lại năm 2018 là 190 trường (38 trường Mầm non, 80 trường Tiểu học, 65 trường THCS, 7 trường THPT). Kết quả, đã kiểm tra, thẩm định công nhận lại là 139 trường, trong đó có 106 trường thuộc kế hoạch năm 2018; 33 trường thuộc kế hoạch năm 2019 - 2020.

Ngành giáo dục Thủ đô phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu của TP, tỷ lệ trường Mầm non và Phổ thông công lập chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 70%.

“Về vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong khi các huyện ngoại thành gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí thì các quận nội thành lại gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng trường do số học sinh tăng. Công tác công nhận lại đối với trường thuộc các quận nội thành được TP thực hiện chặt chẽ hơn so với các huyện nội thành nên tiến độ công nhận ở những trường nội thành thường chậm hơn” - ông Lê Ngọc Quang cho biết.

Bên cạnh đó, năm 2019, việc công nhận trường chuẩn quốc gia sẽ được thực hiện theo thông tư mới, quy trình được siết chặt nhất là với những trường mới thành lập.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã yêu cầu các nhà trường phải duy trì thường xuyên các tiêu chỉ về trường chuẩn quốc gia. Thực hiện tự đánh giá hằng năm, khi có nhưng tiêu chí chưa đạt cần bổ sung ngay.

Với những trường có thể đạt chuẩn quốc gia mới, trường được công nhận lại, TP đã có kế hoạch do vậy các đơn vị cần có biện pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch TP đề ra.

Về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học đạt chuẩn quốc gia cần triển khai ngay từ bây giờ, kể các danh mục đến năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND TP nếu không chủ động sớm ngay từ bây giờ sẽ rất khó để hoàn thành mục tiêu 70% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, với các huyện ngoại thành khó khăn về kinh phí cần có đề xuất cụ thể với TP. “Nguồn ngân sách các quận, huyện, thị xã cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục, nhất là các địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp. Ưu tiên hơn nữa cho các trường cần cải tạo để thẩm định công nhận lại chuẩn quốc gia. Với các trường công nhận lại sau một năm không đủ tiêu chuẩn phải đưa ra khỏi danh sách trường chuẩn quốc gia để các trường phấn đấu” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh.