Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải quan phải tích cực, doanh nghiệp phải chủ động!

Bảo Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 25/8, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Họp báo chuyên đề triển khai Nghị quyết số 19 về phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu.

  Toàn cảnh họp báo chuyên đề 

Ông Bùi Thái Quang – Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) – thông báo trong cuộc họp báo chuyên đề “7 tháng đầu năm 2017, trong tổng số hơn 6 triệu tờ khai xuất, nhập khẩu hàng hoá, số tờ khai được phân vào luồng Xanh chiếm tỷ lệ 57,53%; luồng Vàng là 37,46% và luồng Đỏ chiếm 5,01%”.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó cóyêu cầu tập trung rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng xuất khẩu và 41 giờ đối với hàng nhập khẩu; giảm tỉ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016 và đến 2020, đạt mục tiêu dưới 7% tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu được phân vào luồng Đỏ.

Theo ông Bùi Thái Quang, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm nay, ngành Hải quan đã làm thủ tục thông quan cho 6.069.412 tờ khai xuất, trong đó, tổng số tờ khai được xếp vào luồng Xanh chiếm tỷ lệ 57,53%; luồng Vàng chiếm tỷ lệ 37,46% và luồng Đỏ chiếm tỷ lệ 5,01%.

Theo ông Quang, tỷ lệ luồng Vàng như vậy là cao do nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình khai báo hải quan nên dẫn đến khai nhầm, khai thiếu thông tin trong hồ sơ, chứng từ là khá phổ biến, do đó bị hệ thống thông quan điện tử (Hệ thống VNACCS/VCIS) phân vào luồng Vàng.

Hơn nữa, hiện vẫn còn tới 414 văn bản quy định về chính sách và thủ tục hành chính do các bộ quản lý chuyên ngành ban hành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp và ngay cả cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá.

“Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện bổ sung, sửa đổi các quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng tiến độ thực hiện chậm, gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp” – ông Quang cho biết.

Về lý do các tờ khai xuất, nhập khẩu bị phân vào luồng Đỏ, vị đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, là do các lỗi cố ý buôn lậu, gian lận thương mại; trốn và gian lận thuế và không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan. Thậm chí nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: sửa, bổ sung hoặc hủy tờ khai một cách thường xuyên.

Để giảm tỉ lệ hồ sơ xuất, nhập khẩu bị xếp vào luồng Đỏ và Vàng trong thời gian tới, ông Quang cho biết, cơ quan Hải quan đang nghiên cứu, xây dựng và trình Tổng cục Hải quan xem xét phê duyệt đề án “Doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệpcó tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục Hải quan, thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành… để hiểu và áp dụng đúng trong thực tế.

“Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tinđúng và kịp thời về hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hoá; thực hiện khai báo đầy đủ, cụ thể, chính xác, rõ ràng các thông tin trên tờ khai và hạn chế việc bổ sung sửa đổi, huỷ tờ khai;... của mình cho cơ quan Hải quan để Hải quan có cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa” – ông Quang khuyến nghị.