Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai thiếu niên băng rừng bỏ trốn khỏi bãi vàng

Theo Vnexpress.net
Chia sẻ Zalo

Vào bãi vàng làm việc nặng nhọc, Toại nhiều lần định bỏ trốn nhưng bị cai vàng phát hiện, đánh đập.

 Ngày 11/7, ông Trần Đoàn Minh Hiệp, Chủ tịch xã Bình Lâm (Hiệp Đức, Quảng Nam) cho biết, địa phương đã lập hồ sơ để đưa em Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi, cùng trú huyện Tương Dương, Nghệ An) lên Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam để làm thủ tục cho về quê. Nhiều người dân xã Bình Lâm đã đưa các em đi cắt tóc, mua sắm, có người còn mua cả điện thoại tặng để Toại và Cầu gọi điện về gia đình..

 
Toại và Cầu tại nhà anh Hồng. Ảnh: Tiến Hùng.
Toại và Cầu tại nhà anh Hồng. Ảnh: Tiến Hùng.
Toại kể, tin lời một người đàn ông tên Mão (ngụ xã Kỳ Tiến, Kỳ Sơn, Nghệ An), sau Tết Nguyên đán Bính Thân, em và 6 người cùng quê vào Quảng Nam làm phu vàng ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn). Chưa được một tháng, vì phải làm việc nặng nhọc, 5 người kia bỏ trốn.

“Em phải làm việc từ 6h sáng đến 23h đêm. Hàng ngày, bọn em phải chui vào hầm sâu để đào đất, vác đá, nổ mìn... Nếu ai bê trễ hay có ý định nghỉ việc sẽ bị đánh đập. Chủ bãi không cho mọi người ra ngoài, cuộc sống của các phu vàng khép kín trong này và bị theo dõi, giám sát chặt chẽ. Điện thoại của em cũng bị chủ bãi thu nên không thể liên lạc về gia đình”, Toại kể.

Trung tuần tháng 4, Toại định đào thoát nhưng không thành, bị chủ bãi đánh đập. “Dù vậy, em vẫn nuôi ý định bỏ trốn. Không thể ở lại đó được, chết mất”, Toại nói, lấy tay gạt nước mắt.

Sáng 6/7, lợi dụng chủ bãi vàng say rượu, Toại rủ Cầu cùng bỏ trốn. Ra khỏi bãi vàng, hai thiếu niên theo hướng đường dây điện nối vào lán trại để ra khỏi cánh rừng. Hai em kể, vì chỉ có một đôi dép nên Toại nhường để Cầu đi, còn Toại thì đi chân đất. “Mệt lả vì đói khát nhưng nghĩ đến việc lao động ở bãi vàng là bọn em lại gắng gượng chạy. Đi mãi cho đến tối vẫn chưa ra được khỏi rừng, chúng em hái lá cây lót dưới đất nằm ngủ”, Toại kể.

Sáng 7/7, khi vừa ra khỏi cánh rừng thuộc xã Phước Hòa (Phước Sơn), hai em gặp được anh Hồ Văn Hồng (41 tuổi, ngụ xã Bình Lâm, Hiệp Đức). Thấy 2 thiếu niên dáng vẻ đói khát, anh Hồng bắt chuyện hỏi han. Khi biết Toại và Cầu đang trên đường bỏ trốn khỏi bãi vàng, người đàn ông từng làm phu vàng dẫn 2 em về lán trại của mình lấy cơm cho ăn. Sáng hôm sau, anh Hồng ra chợ mua dép, quần áo cho hai em mặc. Đề phòng gặp chủ bãi vàng bắt gặp nên đợi hai ngày sau, anh Hồng mới dám đưa Toại và Cầu về nhà mình tại xã Bình Lâm.
Các huyện miền núi Quảng Nam được xem là thủ phủ vàng, có hàng nghìn lao động khắp nơi đang làm việc tại đây. Ảnh: Tiến Hùng.
Các huyện miền núi Quảng Nam được xem là thủ phủ vàng, có hàng nghìn lao động khắp nơi đang làm việc tại đây. Ảnh: Tiến Hùng.
Nghe tin anh Hồng cứu thoát hai phu vàng nhí, nhiều người dân trong xã đến chia sẻ, quyên góp tiền để hai em có lộ phí về quê. “Người dân góp cho các em được hơn 2 triệu rồi. Tôi chỉ mong các em về nhà được bình an”, anh Hồng nói.

Nhận những món quà của người dân, Cầu không kìm được nước mắt. 15 tuổi nhưng thiếu niên này chỉ nặng chưa đầy 35 kg. Ba mẹ mất sớm, không được học hành, chị gái duy nhất lấy chồng sang Trung Quốc nên em phải ở với người chị họ. Dù thân hình bé nhỏ nhưng Cầu phải mưu sinh để kiếm sống. Khi vào Quảng Nam, Cầu chỉ có đôi dép cũ nên chẳng bao lâu thì đứt quai, phải đi chân đất.

“Hôm chạy trốn, cũng may anh Toại thương, nhường dép cho em. Còn anh Toại, chân bị lở loét, sưng lên rất tội nghiệp”, Cầu nói, hướng ánh mắt về Toại giọng ngậm ngùi, đôi mắt lộ rõ sự sợ hãi.

Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, cho biết chưa nhận được thông tin bãi vàng ở xã Phước Hiệp có phu vàng đào thoát cũng như bóc lột lao động.

Trước đó tối 25/4, hai em Mông Thị Sắc (16 tuổi) và Lò Thị Xí (15 tuổi, dân tộc Khơ Mú, trú Nghệ An) tới trụ sở Công an huyện Nam Giang kêu cứu trong tình trạng đói lả. Khai với công an, các em nói bị bắt làm việc nặng nhọc cả ngày đêm. Nếu làm không được thì bị đánh nên rủ nhau bỏ trốn.