Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hâm nóng tiến trình thiết lập hòa bình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ ít ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm tới 9 quốc gia Tây Âu và Trung Đông (24/2 - 6/3), việc Tổng thống Barack Obama cũng tới Trung Đông với điểm đến là Israel, Jordan và khu Bờ Tây thuộc Palestine trong nửa cuối tháng này là thông điệp cho thấy, Washington tiếp tục ưu tiên củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống.

Dù đã tới thăm Israel, Jordan trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 nhưng kể từ đó, ông Obama chưa một lần quay lại khu vực này và đã bắt đầu xuất hiện những lời đồn thổi về sự "rạn nứt" của Washington trong mối quan hệ với hai đồng minh truyền thống trong khu vực Trung Đông. Vì thế, chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama được cho là nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Washington - Tel Aviv trong chiến lược ngoại giao của Mỹ suốt 4 năm tới. Đặc biệt, giữa lúc chưa thể thành lập được Chính phủ, chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tái đắc cử, củng cố thêm niềm tin với cử tri và các chính đảng đối lập để giải quyết thế bế tắc trên chính trường hiện nay.Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây đặt kỳ vọng chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Obama sẽ tìm ra các giải pháp thiết lập hòa bình cho khu vực đầy bất ổn này, các nhà quan sát lại cho rằng, không nên quá lạc quan vào chuyến thăm này. Trên thực tế, trong lịch sử gần 70 năm xung đột Palestine - Israel, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã lần lượt tới khu vực này, nhưng chưa ai hoàn thành được sứ mệnh của một chuyến đi “tìm giải pháp” cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
 
Hâm nóng tiến trình thiết lập hòa bình - Ảnh 1
 
Tổng thống Obama và Thủ tướng Israel Netanyahu gặp nhau tại Nhà Trắng hồi năm 2009.
 

Dưới thời của Tổng thống Obama, Washington đã không ít lần gây sức ép để Tel Aviv ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine, song cơ may cuối cùng để cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông nhiều khả năng sẽ bị lãng phí. Nguyên nhân là do mối quan hệ đồng minh với Israel không cho phép ông Obama ra tối hậu thư buộc Tel Aviv phải từ bỏ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tổng thống Mỹ cũng rơi vào thế khó vì đã năm lần bảy lượt bác bỏ quy chế thành viên của Nhà nước Palestine độc lập tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Bản thân Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng không quá kỳ vọng vào chuyến công du "cứu vãn hòa bình" của ông Obama. Người đứng đầu Nhà nước Palestine lịch sự cho rằng, kết quả chuyến thăm sẽ chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn là "hâm nóng" tiến trình đàm phán đã bị đóng băng từ năm 2010.

Với lịch sử đối đầu và những nghi kỵ kéo dài trong nhiều năm, hâm nóng tiến trình thiết lập hòa bình tại Trung Đông là chưa đủ mà buộc các bên phải có bước đi đột phá. Tuy nhiên, chừng nào Mỹ còn cần Isarel để duy trì các lợi ích ở Trung Đông thì chừng đó sẽ không có một động thái mang tính bước ngoặt để khai phá thế bế tắc tại khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất thế giới này.