Trong thời kỳ sôi động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã có những “dễ dãi” trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn trầm lắng hiện nay, cần phải “điềm tĩnh” đánh giá một cách toàn diện những gì đã làm được và những gì cần tiếp tục hoàn thiện để gia tăng cả “chất” và “lượng” cho dòng vốn FDI.
“Điểm sáng” trong trầm lắng
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2012, cả nước có khoảng 1.100 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 435 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 13 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Vốn thực hiện đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95,1% năm 2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2012.
Xây dựng nhà máy sản xuất xe máy của Công ty Honda Việt Nam, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, tại khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đánh giá thu hút FDI năm 2012 tuy có giảm về vốn đăng ký so với năm 2011 nhưng vẫn có nhiều điểm sáng đáng chú ý.
Cụ thể như lượng vốn đăng ký thêm của những dự án đã thực hiện tăng tới 58,5% so với năm 2011, điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như triển vọng trong tương lai nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất; phần lớn các dự án FDI trong năm 2012 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất phù hợp với định hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Bên cạnh đó, khu vực FDI tăng trưởng tốt về xuất khẩu, nộp ngân sách tăng...
Số liệu về thu hút FDI hai tháng đầu năm 2013 cũng cho thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 44 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 408,9 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong hai tháng.
Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta không hoàn thành mục tiêu thu hút vốn FDI như kế hoạch đề ra. Hai năm trước đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu thu hút FDI năm sau cao hơn năm trước, nhưng kết quả đều ngược lại. Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI tăng 10% so với con số 21,48 tỷ của năm 2009, tức khoảng 23 tỷ USD, nhưng kết quả chỉ đạt 18,1 tỷ USD.
Năm 2011, dù đặt mục tiêu thu hút khoảng 20 đến 21 tỷ USD nhưng kết quả cũng chỉ đạt 14,7 tỷ USD. Năm 2012, đặt mục tiêu thu hút 15-17 tỷ USD, nhưng kết quả cũng chỉ dừng lại ở con số trên 13 tỷ USD.
Như vậy với kết quả giảm sút trong thu hút FDI 3 năm qua phần nào phản ánh môi trường đầu tư tại Việt Nam đang mất dần sự hấp dẫn.
Cần môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao
Hàng loạt những vướng mắc, bất cập liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư… trong khu vực kinh tế FDI khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chững lại, đã được mổ xẻ thời gian qua.
Nhưng tựu chung lại, theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, có ba nguyên nhân chính là suy thoái kinh tế toàn cầu, với hai nền kinh tế quan trọng là Mỹ và châu Âu đã tác động đến thu hút đầu tư vào Việt Nam; cạnh tranh về thu hút FDI với các nước trong khu vực cũng tăng lên.
Nguyên nhân thứ ba, được đánh giá là quan trọng nhất, đó là sự hấp thụ FDI của Việt Nam còn hạn chế.
Cũng có thể thấy FDI vào Việt Nam sụt giảm không hoàn toàn do suy thoái kinh tế. Trong một báo cáo mới đây của UNCTAD (Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc) công bố, dòng vốn FDI toàn cầu đạt mức 1.400-1.600 tỷ USD, là mức trước khủng hoảng, vào năm 2011.
Con số 1.700 tỷ USD vào năm 2012 và mức 1.900 tỷ USD được dự tính năm 2013, tương đương với mức cao nhất đã đạt được trong năm 2007. Những số liệu trên đây cho thấy thực tế, vốn FDI toàn cầu đã hồi phục trở lại. Nhưng tại sao vốn FDI vào Việt Nam chậm lại?
Nhìn sang một số quốc gia lân cận có thể thấy FDI vào Indonesia đã tăng cao thời gian qua mặc dù môi trường thu hút đầu tư của quốc gia này chưa thực sự hoàn hảo. Một ngôi sao “mới nổi” là Myanmar cũng đang trở thành thị trường đầu tư đầy tiềm năng, thậm chí còn được dự báo là điểm đến kế tiếp cho các cơ hội phát triển trong khu vực. Malaysia cùng Thái Lan vẫn tiếp tục được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Báo cáo điều tra mới nhất của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã chỉ ra những “băn khoăn” của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam như lo ngại về việc tăng lương cho nhân viên; khó khăn trong việc nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện; hạn chế về năng lực, ý thức của người lao động địa phương; sự phức tạp về các thủ tục hải quan…
Ông Phan Hữu Thắng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định nguồn vốn FDI toàn cầu vẫn đủ cho Việt Nam thu hút vượt mức hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này với điều kiện chúng ta cần có được các giải pháp xúc tiến đầu tư thích hợp và môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao.
Theo đề xuất của ông Thắng, để cải thiện môi trường đầu tư, bên cạnh việc cải thiện cấu thành phần cứng là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng… là những công việc cần phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc, trước mắt, chúng ta có thể tập trung cải thiện các cấu thành phần mềm bao gồm hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiện nay và sắp tới tại Việt Nam; bộ máy tổ chức quản lý điều hành, giám sát hoạt động FDI…
Về câu chuyện cải thiện cơ sở hạ tầng, nhiều chuyên gia nhận định nếu chúng ta không giải quyết được tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém thì rất khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khi đã không thu hút được đầu tư nước ngoài thì khả năng tạo cơ sở hạ tầng cũng rất hạn chế.
Do đó, để phá vỡ cái “vòng luẩn quẩn” này cần đi trước một bước, tiến hành đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu thu hút FDI đặt ra hiện nay.
Một thực tế đã được ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ ra tại VBF 2012 (Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012), Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia khác bằng giá nhân công thấp.
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam có định hướng chuyển dịch từ nền kinh tế có giá nhân công thấp sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ không muốn mang công nghệ đến Việt Nam, một khi các quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự được bảo vệ. Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngừng đầu tư vào Việt Nam.
Trong Đề án Định hướng FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, cải cách, từ hoàn thiện khung khổ pháp luật về đầu tư, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác. Các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến đầu tư... cũng cần được sửa đổi, cải cách, cho phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư...
Đây là một khối lượng công việc không nhỏ và không đơn giản. Nhưng khó mấy cũng phải làm, nếu như chúng ta không muốn trở thành điểm kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư./.