Đây là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp về đóng góp xây dựng dự thảo Đề án "Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn" của Chính phủ, ngày 23/8. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chủ trì cuộc họp.
Tuyên truyền trước khi áp dụng biện pháp mạnh
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, Dự thảo đề án quy định: "Hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các TP lớn; Điều kiện để đăng ký phương tiện cá nhân đối với người không có hộ khẩu tại các TP lớn là phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên" là không khả thi, bởi thực tế, người dân đăng ký xe tại 1 tỉnh nhưng vẫn lưu thông được trên tất cả các tuyến đường cả nước…
Phương tiện giao thông cá nhân tăng cao là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông.Ảnh: Thanh Hải
Theo Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, với tình hình gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, đến giai đoạn 2013 - 2014 phải thực hiện việc hạn chế các phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn để giảm ùn tắc. Tất cả các phương tiện lưu thông phải được kiểm định. Đặc biệt cần có quy định không gian đi bộ ở trung tâm các TP lớn và các phương tiện phục vụ trong khu vực.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Đức Vũ cho rằng, việc hạn chế phương tiện cá nhân là vấn đề nhạy cảm, vì vậy, khi thực hiện phải có lộ trình. Trước tiên, thực hiện tuyên truyền giáo dục sâu rộng, sau đó mới áp dụng cơ chế cưỡng chế, xử phạt. Việc cấm các phương tiện cá nhân phải có cơ quan chuyên ngành khoa học tính toán, phân vùng, phân quy hoạch để cấm đến mức độ nào thì hợp lý.
Ưu tiên phát triển hạ tầng vận tải hành khách công cộng
Nhiều ý kiến cho rằng, đường sắt đô thị đang thiếu vốn triển khai, do đó phải có giải pháp miễn giảm nhập phương tiện, thiết bị; Ưu tiên, dành đất để phát triển giao thông trong đó có giao thông công cộng, vốn, cơ chế, GPMB. Ngoài ra, đề án cần phân công trách nhiệm các bộ, ngành, UBND các TP…;
Để hạn chế phương tiện cá nhân, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Linh Anh
Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Đề án nên có sự thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nội dung và các lộ trình. Nên đưa ra cơ chế chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trước, sau mới đến phần hạn chế các phương tiện cá nhân. "Đây là Đề án của Chính phủ, quy định với một số đô thị trong toàn quốc, không nên đưa các chỉ tiêu cụ thể của Hà Nội mà chỉ nêu lên nguyên tắc... Do đó, cần làm rõ các giải pháp trực tiếp như: phí vào trung tâm TP và vào giờ cao điểm; Tập trung về giải pháp phát triển VTHKCC như buýt thông thường cần tiếp tục được trợ giá, buýt nhanh BTR, đường sắt đô thị… cần được ưu tiên phát triển" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.
Để giảm thiểu UTGT trên địa bàn Hà Nội trong khi chờ đề án hạn chế phương tiện cá nhân được phê duyệt, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các sở, ngành, sau cuộc họp phải xây dựng ngay Đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm TP, thu phí vào giờ cao điểm; Quy chế quản lý các hoạt động taxi trên địa bàn muộn nhất vào quý II/2013 phải trình UBND TP phê duyệt; Xây dựng đề xuất cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến trong năm 2012. Thực hiện cấm các phương tiện cá nhân trên một số tuyến trong giai đoạn 2012 - 2015 và từ năm 2015 - 2016 sẽ cấm theo vùng.
Theo dự thảo Đề án, sẽ tập trung vào việc hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, gồm TP Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; Đồng thời đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển VTHKCC tại các TP phố lớn… Với mục tiêu, xây dựng được các giải pháp, biện pháp cụ thể phù hợp với từng thành phố nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời xây dựng được các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của hệ thống VTHKCC tại các đô thị lớn...
|