Khó vẫn phải làm
Không phải đến bây giờ Hà Nội mới tính đến phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm UTGT. Cách đây gần 10 năm, việc ngừng cấp đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là một trong những biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, vì nhiều lý do khác nhau, chủ trương này đã bãi bỏ. Tiếp đến, Sở GTVT cũng đã lên phương án hạn chế xe máy đi lại trên đường bằng cách xe biển chẵn đi ngày chẵn, xe biển số lẻ đi ngày lẻ nhưng không được dư luận đồng tình.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, các đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt, đề án quản lý taxi, đề án bố trí sắp xếp, điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố cũng như đề án tuyến phố đi bộ đã và đang được xây dựng đều hướng tới việc góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Cũng theo ông Linh, muốn hạn chế phương tiện cá nhân bắt buộc phải triển khai từng bước. Bởi nếu chưa có metro, chưa có tàu điện trên cao, buýt nội đô chưa thuận lợi mà hạn chế phương tiện cá nhân người dân lấy gì để đi? "Do đó phải phát triển VTHKCC trước, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân rồi mới tính toán các bước tiếp theo. Khi phương tiện công cộng thuận lợi, người dân sẽ từ bỏ đi phương tiện cá nhân chuyển sang đi phương tiện công cộng. Làm như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân, từ đó chủ trương đúng này mới thành công được. Có thể nói việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là một bài toán khó nhưng khó mấy cũng phải làm"- ông Linh nói.
Tiếp tục phát triển xe buýt, hạn chế xe máy
Thống kê của Sở GTVT cho thấy, vài năm trở lại đây, lượng khách đi xe buýt không tăng nhiều so với thời điểm những năm 2002 - 2003. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, xe buýt Hà Nội đã phát triển đến ngưỡng và phải chuyển sang phát triển các loại hình VTHKCC khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh lại cho rằng, trên thực tế, nếu Hà Nội không mở rộng, xe buýt nội đô đã phát triển đến ngưỡng. Tuy nhiên, sau mở rộng, Sở GTVT đã mở các tuyến buýt về đến các huyện ngoại thành (hay còn gọi là buýt nội tỉnh). Như vậy cũng góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho người dân thủ đô, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ đề nghị Thành phố phối hợp với các tỉnh lân cận để mở thêm các tuyến buýt kế cận. Bởi chính các tuyến buýt này sẽ giúp giảm lượng người từ các tỉnh đi vào Thủ đô bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, các tuyến buýt kế cận này hoạt động theo hình thức kinh doanh nên giá vé hiện tại còn cao, chưa thu hút nhiều hành khách. Sắp tới sẽ phải xem xét, tính toán xem phối hợp giữa các tỉnh với nhau như thế nào, để ưu tiên phát triển các tuyến buýt kế cận.
Phải 5 năm nữa thành phố mới có 2 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên và trong quãng thời gian này sẽ có thêm các tuyến buýt BRT để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân liệu có phải theo đúng qui trình này mới có thể triển khai được?
Trước hết, phải tạo điều kiện cho người dân, có phương tiện giao thông sử dụng thì mới tiến hành các bước hạn chế. Chẳng hạn như hạn chế theo giờ, hạn chế phố nào không được đỗ xe. Nếu không có điểm đỗ, việc đi lại bằng phương tiện cá nhân không thuận tiện, người dân sẽ lựa chọn phương tiện vận tải công cộng. Ông Nguyễn Hoàng Linh Phó Giám đốc Sở GTVT |