Hạn chế tiêu dùng thuốc lá
Mức thuế hiện hành đối với thuốc lá là 70%, quy đổi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ đạt 35,6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khối ASEAN và so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việc giữ mức thuế thuốc lá thấp, khiến giá thuốc lá rẻ và dễ mua, trong khi thu nhập bình quân của người dân ngày một gia tăng khiến thuốc lá ngày càng dễ tiếp cận người tiêu dùng.
Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) từ 26% (năm 2011) xuống 18% (năm 2020); tỷ lệ hút thuốc của nam giới giảm từ 47,4% năm (2011) xuống 39% (năm 2020) và của nữ giới giảm xuống dưới 1,4% năm 2020. Tăng thuế để hạn chế tiêu dùng thuốc lá cũng là giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII và Quyết định 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.
Như vậy, nước ta hiện nay cần tiếp tục tăng thuế thuốc lá nhằm: Góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm gánh nặng kinh tế, bệnh tật do thuốc lá gây ra; thực thi những gì mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước khung của WHO, thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc.
Gia tăng buôn lậu do kiểm soát kém
Ngân hàng Thế giới kết luận: “Buôn lậu thuốc lá là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi có buôn lậu thì bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy, tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng”. Chính vì thế, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn lậu thay vì lo ngại không tăng thuế thuốc lá. |
Cụ thể, thuế nhập khẩu thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức 135% giá nhập khẩu, sau khi áp thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục áp thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng trên giá đã có thuế nhập khẩu. Theo tính toán, nếu một bao thuốc có giá nhập khẩu là 10.000 đồng, sau khi áp các loại thuế, giá bán ra ở mức hơn 50.000 đồng. Vì vậy, dù thuế TTĐB thấp hay cao vẫn sẽ có động lực mạnh để buôn lậu thuốc lá.
Yếu tố về “gu” hút cũng được phản ánh rất rõ. Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá, 80 - 90% số thuốc lá lậu thuộc vào 2 nhãn Jet và Hero - hai nhãn thuốc phù hợp với những người nghiện thuốc lá nặng. “Gu” hút thuốc thể hiện qua việc người hút thuốc sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc lá hợp pháp giá thấp hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, mức giá trung bình của Hero và Jet cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng 30 - 60%. Theo tính toán, nếu thuế TTĐB tăng lên tới 140% cũng chưa thể làm giá thuốc lá trong nước cao hơn giá thuốc lá lậu.
Như vậy, có thể thấy, tăng thuế TTĐB với thuốc lá không phải là lý do dẫn đến gia tăng buôn lậu như những gì các công ty thuốc lá phản ánh mỗi khi Chính phủ dự định tăng thuế. Thực tế ở Việt Nam, thuế thuốc lá mới chỉ tăng 3 lần vào năm 2006, 2008 và 2014, nhưng buôn lậu thuốc lá là vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài.